Nhìn hai công lúa (2.000 m2) mới sạ trên đất trồng khoai, gặp mưa nhiều chết gần 50%, ông Nguyễn Văn Nghĩa, 44 tuổi, ở xã Tân Thành, huyện Bình Tân, than thở, sau 15 năm gắn bó với khoai lang, đến nay đành bỏ vì thua lỗ, nợ nần.
"Năm ngoái, tôi thuê thêm đất, thế chấp hai công đất nhà vay ngân hàng 60 triệu đồngđể trồng khoai nhưng đến khi thu hoạch chỉ bán giá 65.000 đồng mỗi tạ (60 kg), lỗ cả trăm triệu đồng", ông Nghĩa nói và cho biết đầu năm nay phải vay bên ngoài để đáo nợ ngân hàng.
Hiện mỗi quý ông Nghĩa đóng lãi 1,5 triệu đồng nhưng phải xoay xở, vay mượn mới có. Sáu miệng ăn trong nhà giờ chỉ trông chờ vô hai công lúa và những đồng tiền ông làm thuê kiếm được.
Ông Võ Văn Tước, 54 tuổi, ngụ xã Tân Thành, có hơn 10 năm trồng khoai lang trên diện tích bảy ha. Nhưng ba năm qua, ông đã lần lượt chuyển sáu ha đất sang trồng cây ăn trái...
"Có quá nhiều lý do để tôi và nhiều bà con không theo đuổi khoai lang được nữa. Giá khoai ngày càng rẻ mà phân, thuốc thứ nào cũng tăng. Người trồng khoai từ lỗ ít đến lỗ nhiều", ông Tước nói và cho biết, gia đình vẫn chừa hơn một ha đất để trồng khoai nhưng mùa vụ năm nay không xuống vì cầm chắc lỗ.
Ba năm qua, giá khoai lang không ổn định và giảm rất mạnh, từ 1,1-1,2 triệu đồng xuống còn 120.000 đồng mỗi tạ như hiện nay nhưng tiêu thụ rất khó khăn và nông dân thua lỗ nặng nề.
Lúc cao điểm Covid-19 hoành hành năm 2021, nông dân trồng khoai ở Bình Tân điêu đứng vì giá rớt thê thảm, chỉ còn 500-1.000 đồng mỗi kg nhưng rất ít người mua. Nông dân phải đổ bỏ hoặc không thu hoạch.
Ông Nghĩa và ông Tước là hai trong số hàng nghìn nông dân ở "vương quốc khoai lang" miền Tây - huyện Bình Tân thua lỗ trong mấy năm qua. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long, diện tích khoai lang toàn tỉnh giảm mạnh, từ 13.000-14.000 ha, sản lượng 300.000-400.000 tấn, nay chỉ còn 1.000-2.000 ha.
Ông Sơn Văn Luận chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp Thanh Ngọc, xã Thành Trung nói, chưa lúc nào dân trồng khoai khốn khó thế này. Mùa dịch một năm trước, Trung Quốc ngưng nhập hàng, chỉ riêng hợp tác xã của ông tồn gần 600 tấn khoai, trong đó phải bán lỗ hơn 400 tấn cho những người làm từ thiện và nhà máy chế biến thức ăn gia súc; hơn 100 tấn khoai hư hỏng vì để lâu ngày.
"Năm nay tôi và người dân còn đất chỉ trồng lai rai cầm chừng, chờ thời coi sao chứ lỗ là phải chịu rồi", ông Luận nói.
Các các nông dân cho rằng thời điểm này để xuống giống mỗi ha khoai lang, phải tốn chi phí ban đầu đến khi thu hoạch gần 200 triệu đồng. Sau 4–5 tháng chăm sóc, nếu thuận lợi, mỗi ha họ thu hoạch 30-40 tấn. Giá bán phải đạt từ 10.000 đồng mỗi kg (600.000 đồng mỗi tạ) thì mới có lời.
Ông Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, cho biết chỉ trong năm 2022, diện tích khoai lang đã giảm hơn 6.000 ha. Đa số người dân chuyển sang trồng hoa màu, lúa để chờ tình hình giá khoai, một số khác lên liếp, be bờ để trồng cây ăn trái lâu năm như mít thái, sầu riêng, chanh, ổi...
"Khi đã có đầu ra và giá cả ổn định, chúng tôi sẽ động viên bà con trồng khoai lang trở lại. Vì đâu là cây chủ lực kinh tế của huyện, không thể bỏ", ông Tập nói. Địa phương đang chuẩn bị kế hoạch xuất khẩu khoai lang theo đường chính ngạch, sang những thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Singapore...
Tuy nhiên, theo Chủ tịch huyện Bình Tân, để hàng vào được các nước này cần có mã số vùng trồng khoai lang và xây dựng những cơ sở đóng gói đạt tiêu chuẩn. Hiện, Chi cục Trồng trọt Vĩnh Long đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cấp mã số cho tám vùng trồng khoai đạt yêu cầu (tiêu chuẩn VietGap) với khoảng 215 ha tại huyện Bình Tân.
Nguyên Anh