Anh nông dân Tôn Ngọc Luân ở ĐBSCL không biết gì về tin giá gạo cao kỷ lục, đến khi biết thì đã quá muộn. Sự can thiệp của Chính phủ đã giúp kiềm chế được cơn sốt giá trên thị trường, nhưng đồng thời làm các thương lái địa phương giảm mua. Anh nông dân này còn 7 tấn lúa trong nhà đang chờ giá để bán. “Chúng tôi là dân dã, đâu biết gì biến động giá cả”.
Một người lái xe ôm chở gạo ở Chợ Lớn, TP HCM. Ảnh: AP. |
Trong vài tháng qua, giá gạo tăng lên gấp đôi, nhưng nông dân hưởng lợi rất ít. Đúng là tiền bán lúa có nhiều hơn, nhưng chi phí đầu vào, nhất là phân bón vốn liên quan nhiều đến giá nhiên liệu, cũng tăng. Xăng dầu để bơm nước, vận chuyển tăng. Giá thuê mướn nhân công cũng lên vì cớ lạm phát.
Hàng xóm của anh Luân là anh Bình thu hoạch được 3 tấn lúa trong vụ đông xuân vừa qua, bán được giá 10.000 đồng mỗi kg, cao hơn vụ hè thu năm ngoái khoảng 3.000. Nhưng chi phí đầu vào cho mỗi kg lại tốn tới hơn 7.000 đồng cho mỗi kg lúa, trong khi vụ trước chỉ có 4.000 đồng. Tính ra lợi nhuận của cả vụ vẫn vào khoảng xấp xỉ 9 triệu đồng, bằng vụ trước.
Nông dân đồng thanh rằng chi phí đã tăng gần gấp đôi tính từ cuối năm ngoái, nên thu nhập của họ chẳng tăng lên chút nào.
“Chỉ có thương lái và nhà máy xay là có lời”, anh Luân nói. “Nếu chính phủ ổn định giá phân bón, nông dân mới tăng thu nhập nổi”.
Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng đồng ý với anh nông dân này: “Lợi nhuận không vào tay nông dân. Lớp trung gian và giới đầu cơ đang tích trữ gạo chờ bán giá cao đã hưởng hết lợi”.
Có các dấu hiệu cho thấy vụ tăng giá mới đây nhất do giới đầu cơ khởi xướng. Lợi dụng tâm lý cho rằng việc hạn chế xuất khẩu gạo là biểu hiện VN sẽ thiếu lương thực, một số người đã tích trữ và đẩy giá lên.
Ông Võ Tòng Xuân lo rằng Chính phủ, do sức ép của người tiêu dùng thành thị, sẽ tìm cách giảm giá gạo. Điều này sẽ làm bần cùng hóa nhiều nông dân, do chi phí của họ sẽ vẫn cao.
Anh Bình đang chuẩn bị hạt giống cho mùa tới: “Vất vả lắm, mà chẳng có lời nhiều”. Thông thường ở ĐBSCL, vù hè thu không có lợi nhuận cao như vụ đông xuân.
Chỉ những thửa ruộng cũ giờ đầy cỏ, Bình nói: “Nhìn đám ruộng bỏ không kìa. Nhiều người bỏ đất hoang vì không chịu nổi giá phân bón với thuốc trừ sâu. Nông dân chẳng sung sướng gì, chỉ có thương lái kiếm lời lớn. Luôn luôn như vậy”.
Ở miền Bắc, ruộng nhỏ hơn và trồng cấy cũng vất vả hơn. Có nông dân chỉ trồng đủ gạo ăn. Vì thế chi phí tăng cao khiến họ khổ sở.
“Chính phủ nên kìm giá phân bón”, chị Nguyễn Thị Vân, nông dân ở gần Hà Nội, nói. “Chúng tôi cần Chính phủ hỗ trợ. Chi phí cao quá nên thu nhập thực tế đang giảm xuống”.
Đất nông nghiệp đang mất dần để xây các khu công nghiệp và phát triển đô thị. Theo một ước tính, trong 5 năm qua, nông nghiệp mất 4% đất cho phát triển, và khoảng 2,5 triệu nông dân mất ruộng. “Tôi mong tình trạng này sẽ chấm dứt, nếu không thì thật tiến thoái lưỡng nan”, ông Võ Tòng Xuân nói.
Câu chuyện không hiếm gặp ở những vùng nông thôn đô thị hóa là: Một nông dân có ít ruộng làm lúa gạo đủ ăn. Khi đất bị thu hồi, anh này nhận một khoản đền bù mua được một chiếc xe máy. Và giờ đây, nếu may mắn anh ta cũng vẫn kiếm đủ ăn, bằng nghề chạy xe ôm.
B.M. (Theo Reuters)