Anh Thạch Đên cho biết, vùng đất ven biển thị xã Vĩnh Châu trước đây được biết đến với hình ảnh cây hành tím, song bà con luôn gặp "điệp khúc" trúng mùa - mất giá. Vì vậy, thời gian gần đây, người dân bắt đầu chuyển đổi sang trồng củ cải trắng. "Trồng củ cải trắng không lo sợ đầu ra và ảnh hưởng của thời tiết, hay sâu bệnh, thu nhập lại cao hơn", anh Đên nói.
Anh Đên có 4.000 m2 đất trồng củ cải trắng ở phường 2. Nhờ thời tiết thuận lợi, gia đình anh đang vui mừng vì trúng mùa. "Ruộng cải của tôi ước đạt khoảng 20 tấn", anh Đên cho biết.
Cũng như các hộ dân khác, gia đình anh Đên không bán củ cải tươi, mà để lại làm xá pấu (củ cải muối) bán dịp Tết. Theo tính toán, 20 tấn củ cải tươi sau khi chế biến sẽ con 6 tấn, bán với giá trên dưới 6.000 đồng một kg, trừ hết chi phí, anh lãi khoảng 20 triệu đồng.
Trong khi đó, người trồng hẹ ở các xã Tham Đôn, Đại Tâm, Thạnh Phú... của huyện Mỹ Xuyên cũng đang vào vụ bán. Bà Danh Thị Phal, ở xã Tham Đôn cho biết, hơn 1.000 m2 đất bờ kênh trồng hẹ của gia đình sẽ cho lãi gần 10 triệu đồng.
"Mô hình này dễ áp dụng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp", bà Phal nói. Cây hẹ bán được sau vài tháng trồng, cắt mỗi đợt cách nhau hai ba ngày. Khi rau hẹ cho bông nhiều, mỗi lần cắt, bà Phal thu về hơn một triệu đồng.
Theo nông dân, loại rau này bán được cả lá và bông, thời gian thu hoạch kéo dài từ hai năm rưỡi đến ba năm mới trồng lại. Riêng vào mùa khô, rau hẹ có giá lên đến 50.000 đồng một kg.
Phó chủ tịch xã Tham Đôn Chung Ngọc Long cho biết, hiện nay, nhiều hộ trồng theo mô hình VietGAP và đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động, giúp giảm nhiều chi phí và công lao động. "Ngoài cây lúa, bà con Khmer còn thu nhập khá cao từ cây hẹ, đây là mô hình giúp bà con phát triển kinh tế bền vững", ông Long nói.
Hồng Thạch