Theo ông Trương Hợp Tác, Trưởng phòng phân bón, Cục Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), ngoài nguyên nhân giá cước vận chuyển tăng và thiếu tàu, hiện tượng giá phân bón diễn biến thất thường trong thời gian qua còn do ảnh hưởng của việc giá dầu đang ở mức cao. Điều này khiến chi phí nhiên liệu sản xuất phân bón tăng, đẩy giá thành phẩm lên cao.
Sáng nay, giá phân cập cảng TP HCM và cảng Hải Phòng đã lên tới 187 USD-195 USD/tấn (tăng 7-15 USD/tấn so với đầu tháng 11) và tăng 35-40 USD/tấn so với thời điểm xảy ra cơn sốt phân bón hồi tháng 3 vừa qua.
Theo một số công ty sản xuất phân bón, hiện giá phân bón trong nước cũng đã tăng khoảng 15% so với cùng thời điểm năm ngoái. Nguyên nhân là do giá nguyên liệu để sản xuất tăng và thời điểm này, bà con nông dân cũng bước vào thời vụ cấy xen canh nên nhu cầu phân bón cao.
Tại Công ty cổ phần phân bón FITO Hóc Môn các phương án tăng giá bán cũng bắt đầu được triển khai. Ông Lê Văn Tri, Giám đốc công ty cho rằng, giá phân urê sẽ biến động mạnh trong thời gian tới còn các loại phân khác chỉ dao động nhẹ nên cũng không đáng lo ngại.
Ông Nguyễn Đình Hạc Thuý, Phó chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, cho biết, trước diễn biến phức tạp về giá phân bón trong thời gian qua, Thủ tướng vừa có chỉ đạo cho Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất phương án giảm thuế VAT nhập khẩu phân bón để trình Chính phủ xem xét. Vì, thuế VAT hiện vào khoảng 9-10 USD/tấn phân tại thị trường nội địa.
"Giá phân bón có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những ngày tới", ông Thuý lo ngại.
Minh Khuyên