Ngày 12/9, sau khi bão Côn Sơn suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, trời mưa nhỏ, ông Cao Văn Khiếu (76 tuổi, trú thôn Tiên Mỹ 2, xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh) kêu gọi hàng xóm quanh nhà và người thân từ thành phố về phụ gặt lúa bị ngập úng, ngã đổ sau bão.
Gia đình ông Khiếu có 15.000 m2 ruộng lúa, còn khoảng một tuần nữa mới đến thời điểm thu hoạch.
Sau cơn mưa liên tục 2 ngày qua, gần 5.000 m2 lúa của gia đình ông Khiếu bị thiệt hại. Lúa đổ sát mặt ruộng nên phải gặt tay, trung bình 1.000 m2 chỉ thu được 4 tạ thóc, sản lượng giảm khoảng 60% so với bình thường.
"Trời mưa nên sân bãi không có, thôn quê không có máy sấy, chúng tôi lúa gặt về gửi mỗi nhà một ít phơi và quạt", ông Khiếu nói. Dù cứu được phần nào ruộng lúa, lão nông nói lúa này sớm muộn sẽ mọc mầm, không ăn được mà chỉ cho gia súc, gia cầm.
Ở mảnh ruộng bên cạnh nhà ông Khiếu, ông Nguyễn Văn Sáng (60 tuổi, trú thôn Tiên Mỹ 1) có 6.000 m2 lúa bị thiệt hại. Ông Sáng bỏ tiền thuê người gặt tay vì xót của. "Trời mưa, sân không có, nên đưa lúa về nhà cũng chưa biết phải xử lý như thế nào", ông Sáng và đứng nhìn trên cánh đồng thôn Tiên Mỹ, lúa đổ la liệt, nhiều người đang khom lưng gặt từng khóm.
Nhận được thông tin trên, để hỗ trợ nông dân, Tổng công ty thương mại Quảng Trị đưa vào hoạt động 2 lò sấy lúa. Mỗi mẻ có thể sấy 7 đến 10 tấn, được đốt bằng viên nén năng lượng. Sau 7 đến 8 tiếng, lúa được sấy khô, đảm bảo đủ điều kiện cất trữ.
Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Trị cho biết, bão Côn Sơn khiến Quảng Trị có gần 290 ha lúa, 6 ha sắn bị ngập úng, gãy đổ; 8,4 ha thuỷ sản và 8 ha hoa màu bị ngập, thiệt hại. Ngoài ra, một số thôn ở các huyện miền núi Hướng Hoá và Đăkrông bị ngập lụt chia cắt cục bộ.
Trong hai ngày 12 và 13/9, khu vực từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.
Côn Sơn là cơn bão thứ năm ở Biển Đông trong năm nay. Từ nay tới hết năm 2021, Biển Đông còn có khả năng xuất hiện 6-8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.