Sáng giữa tháng 12, ông Huỳnh Thanh Tùng, 46 tuổi, xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, ra cánh đồng gần nhà bắt ốc bươu vàng. Đi đôi ủng, cầm xô nhựa, ông men theo bờ ruộng quan sát.
Đến đám ruộng nước trong, dày đặc ốc bươu vàng, ông Tùng bước xuống, thoăn thoắt nhặt ốc cho vào xô đựng. Tháng 8 vụ lúa hè thu kết thúc, ruộng đồng ngập nước, cỏ mọc um tùm là môi trường thích hợp cho ốc bươu vàng sinh trưởng. Tháng 12 ruộng được cày bừa sạch hết cỏ, chuẩn bị sản xuất vụ lúa đông xuân. Lúc này, mặt ruộng trống trơn, ốc lộ ra dễ bắt, ông Tùng giải thích.
Lội hết đám ruộng này qua đám ruộng khác, ông Tùng bắt hàng nghìn con ốc bươu vàng, nhỏ nhất bằng ngón tay, to bằng quả trứng gà. Hết chỗ chứa, ông đổ vào bao tải và tiếp tục công việc cho đến trưa với thành quả hơn 30 kg ốc.
Rửa sạch số ốc, ông cho lên xe máy chở đi bán giá 4.000 đồng/kg, thu về 120.000 đồng. Về nhà nghỉ buổi trưa, chiều ông Tùng tiếp tục công việc. "Bình quân mỗi ngày tôi bắt được 50 kg, nếu có sức khỏe thì đêm xuống dùng đèn soi bắt được nhiều hơn", ông nói và cho biết loại ốc này ban ngày lặn xuống bùn trốn, ban đêm mới đi ăn.
Ông Tùng làm nghề thợ xây ở Đà Nẵng, do Covid-19 nên thất nghiệp. Với việc bắt ốc bươu vàng, số tiền thu về không bằng làm thợ xây, song cũng giúp ông có nguồn thu nhập.
Cách chỗ ông Tùng khoảng 5 km về phía bắc, vợ chồng ông Võ Minh Thượng, 65 tuổi, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, bắt được 50 kg ốc bươu vàng sau một buổi. Họ cho lên xe máy chở đi bán được 200.000 đồng.
"Trước đây tôi thường bắt ốc to về bán cho người ta chế biến món ăn. Gần 10 ngày qua, thương lái thu mua loại nhỏ làm thức ăn cho thủy sản nên bắt được nhiều", ông kể và cho hay hiện chưa vào vụ lúa nên nhàn rỗi. Trong thôn không chỉ vợ chồng ông mà nhiều người khác rủ nhau ra đồng bắt ốc bán.
Công việc này không phải đầu tư nhiều, mỗi người chỉ mua đôi ủng giá 25.000-35.000 đồng, xô nhựa và bao bì đựng. Tuy nhiên, do thường xuyên tiếp xúc bùn, đôi tay bị trắng bệch, ngứa ngáy. "Bắt ốc phải cúi người cả ngày nên lưng mỏi, muốn bắt được nhiều phải có sức khỏe", ông Thượng nói.
Ngoài việc cho thu nhập, bắt ốc bươu vàng còn giúp giảm thiệt hại mùa màng. Loại ốc này đẻ nhanh, thường cắn ngang cây lúa non hay chồi non từ sau khi gieo sạ cho đến khi cây lúa được 30 ngày.
Bà Ngân, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, chủ cơ sở thu mua ốc bươu vàng, cho biết mỗi ngày mua gần 7 tấn. Bà đóng mỗi bao 50 kg ốc, bán cho các thương lái chở vào các tỉnh phía Nam làm thức ăn chăn nuôi thủy sản.
Ốc bươu vàng có tên khoa học Pomacea canaliculata, du nhập vào Việt Nam thập niên 80 của thế kỷ trước, trở thành một trong những sinh vật gây hại nghiêm trọng nhất cho nền nông nghiệp. Chúng có thể sống đến 6 tháng trong điều kiện khô hạn, đến khi gặp nước thì sinh sôi trở lại. Ốc bươu vàng đẻ 200-300 trứng trong khoảng 3 giờ.
Người dân Quảng Nam bắt ốc về chế biến nhiều món ăn như luộc, xào sả ớt, hấp sả..., nhưng phải vứt phần trứng hoặc ruột. Trong ốc có rất nhiều bùn cát và nhớt nên phải ngâm trong nước vo gạo qua đêm; nếu muốn ăn ngay cần cho thêm vào chậu nước ngâm ốc một vài trái ớt đập dập hoặc ớt bột.