Ở thôn La Hà, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, những ngày qua ốc bươu vàng bu kín các mương nước, mặt ruộng. Đã hai lần vãi thuốc bột, một lần phun thuốc diệt, ông Trần May, 70 tuổi, vẫn phải ra đồng nhặt những con ốc mới sinh sôi. "Ốc bươu xuất hiện từ lúc làm đất cách đây 20 ngày, chúng tôi đã diệt nhưng vẫn còn những con ẩn sâu phía dưới", ông May nói.
Các loại thuốc diệt ốc không có hiệu quả cao, ba lần mua thuốc tiêu tốn của ông 500.000 đồng. Gia đình ông đã đi cấy năm buổi để bù lại những cây mạ non bị ốc bươu cắn, nhưng đám ruộng 3 sào nhà ông vẫn lởm chởm.
Cũng như ruộng ông May, hầu hết đám ruộng xung quanh đều bị tình trạng tương tự. Người dân đã bắt ốc bằng phương pháp thủ công cho gà vịt ăn, nhưng ốc nhiều không xuể. Nhiều người dùng thuốc bảo vệ thực vật khiến mùi hôi nồng nặc, bao bì vung vãi trên bờ mương.
Ở cánh đồng thôn Vạn An 3, chị Nguyễn Thị Phượng cũng đang khổ sở với loài sinh vật có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ này. "Hôm nay bắt hôm sau chúng lại bò lên nhan nhản", chị Phượng nói và cho biết chúng không chỉ "đổ bộ" trên ruộng lúa mà còn bò lên ruộng ớt, cắn gốc. Theo kinh nghiệm dân gian, nhiều nông dân cho rằng năm nay ốc bươu vàng nhiều hơn mọi năm do mưa lũ kéo dài.
Ông Lê Thanh Trà, nhân viên kỹ thuật, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tư Nghĩa cho biết, ốc bươu vàng xuất hiện ở hầu hết xã trong huyện. Người dân cần kiểm tra ruộng thường xuyên, nếu mật độ trên 3 con một m2 thì nên dùng các loại thuốc để diệt.
Song, theo ông Trà, việc sử dụng thuốc nên hạn chế vì ảnh hưởng hệ sinh thái đồng ruộng. "Bà con có thể dùng rau muống, xơ mít, đóng cọc tre quanh ruộng hoặc đầu nguồn nước để dụ chúng đến để diệt", ông Trà khuyến cáo.
Ông Phạm Bá, Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Quảng Ngãi cho biết, người dân toàn tỉnh đã gieo sạ gần 40.000 ha lúa vụ Đông Xuân, trong đó gần 500 ha bị ốc bươu vàng cắn phá.
Tư Nghĩa là huyện chịu thiệt hại nặng nhất với 215 ha, TP Quảng Ngãi có 126 ha. "Ốc bươu vàng thường xuất hiện ở các vùng ruộng trũng thấp, Chi cục đã gửi hướng dẫn cho các địa phương diệt ốc bằng thuốc và phương pháp thủ công", ông Bá nói. Chi cục đang tiếp tục ghi nhận từ các địa phương để đánh giá mức độ thiệt hại so với năm ngoái.
Ốc bươu vàng là sinh vật ngoại lai có hại cho đồng ruộng. Chúng có thể sống đến 6 tháng trong điều kiện khô hạn, đến khi gặp nước thì sinh sôi trở lại. Ốc bươu vàng đẻ trứng thành ốc với tốc độ 200 - 300 trứng trong khoảng 3 giờ. Loài này thường cắn ngang cây lúa non hay chồi non từ ngay sau khi sạ cho đến khi cây lúa được 30 ngày, hoạt động chủ yếu vào sáng sớm, chập tối và ban đêm.