Hai hôm trước, ông Lê Văn Đức, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) thu hoạch 2 ha lúa Hè Thu, năng suất 7 tấn một ha, thu về hơn 80 triệu đồng, lời 35 triệu đồng. Trước khi tới đại lý phân bón trả tiền, ông hứa sẽ có món quà tặng cháu nội, song đành thất hứa khi nghe giá phân bón tăng cao. Thời gian qua, phân bón liên tục "lập đỉnh" khiến lợi nhuận làm lúa ngày càng giảm. Chi tiêu của cả gia đình ông Đức 7 người phải tằn tiện mới đủ sống.
Hiện, phân DAP tăng thêm 100 nghìn một bao (50 kg) lên gần 1,4 triệu đồng, đạm và kali tăng 40-50 nghìn, giá hơn 950 nghìn đồng, mức giá cao nhất trong 50 năm qua. Theo ông Đức, so với hai năm trước mỗi loại phân tăng gấp ba lần, trong khi giá lúa lại từ 6.500 đồng giảm còn 5.900 đồng mỗi kg.
Không chỉ phân, giá thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng 20-30% so với mùa trước. Một số dịch vụ nông nghiệp tăng theo, chi phí làm đất tăng 200 nghìn đồng lên 1,7 triệu đồng một ha, tương tự công thu hoạch tăng thêm 300 nghìn, giá 2,5 triệu đồng mỗi ha. Tổng chi phí chi phí đầu tư tăng hơn 40% cách đây hai năm, vào khoảng 23 triệu đồng mỗi ha, chưa tính công lao động của chủ ruộng.
"Lúc trước lời hơn 30 triệu đồng một ha giờ chỉ 15-20 triệu thôi", ông Đức buồn rầu nói, và cho biết đây là vụ Đông Xuân có năng suất, thu nhập cao nhất trong năm, chứ hai vụ còn lại (Hè Thu, Thu Đông) chỉ lời chừng 10 triệu đồng mỗi ha.
Sắp tới ông Đức sẽ chia đất cho ba người con nhưng tin chắc các con không làm ruộng vì thu nhập khó đủ sống. Ông nhẩm tính 5.000 m2 đất lúa, nếu thuận lợi thu nhập cao nhất 20 triệu đồng một năm, tức mỗi tháng chỉ hơn 1,6 triệu. Ông lắc đầu: "Tiền lời không đủ mua sữa cho trẻ nhỏ chưa nói đến các khoản khác".
Những ngày này, ông Trần Văn Bá, 66 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp ở xã Tân Tiến (TP Vị Thanh, Hậu Giang) gồm 38 thành viên, có vùng nguyên liệu hơn 75 ha, thường ra sông dùng máy bơm công suất lớn hút bùn vào ruộng khóm (thơm).
Theo ông Bá, cây khóm trồng mỗi năm 4 vụ, mỗi vụ năng suất 50 tấn một ha. Với giá 10 nghìn đồng một kg trở lên, mỗi năm một ha khóm trừ hết chi phí, nông dân lãi khoảng 200 triệu đồng. Mấy tháng qua ảnh hưởng dịch bệnh, giá khóm còn 7.000 đồng mỗi kg, trong khi chỉ một năm giá phân tăng gấp hai lần, mỗi bao DAP lên hơn 1,3 triệu đồng nên đa số nông dân không có lãi.
"Phân thuốc đội giá, tôi cùng nhiều nông dân phải sử dụng tiết kiệm, kết hợp bơm bùn chứa phù sa sông bổ sung dinh dưỡng cho ruộng", ông Bá nói.
Tại "thủ phủ sầu riêng" hơn 12.000 ha ở Tiền Giang, ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết hiện giá sầu riêng tại địa phương trên 50.000 đồng mỗi kg. Tuy nhiên, vụ sầu riêng cần thời gian chăm sóc kéo dài gần 4 tháng, chi phí phân thuốc, chăm sóc mỗi công (1.000 m2) một vụ khoảng 30 triệu đồng. Trong khi đó mỗi ký phân hóa học hiện tăng gần gấp đôi, nên lợi nhuận nông dân giảm đáng kể.
Theo Bộ Công thương, 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón tăng 47% về lượng nhưng tới gần 200% về giá trị. Giá phân bón trong nước liên tục tăng suốt hai năm qua và tiếp tục duy trì ở mức cao. Cụ thể phân ure các loại khoảng 17.600 đồng/kg, kali khoảng 18.000 đồng/kg, DAP từ 22.500-27.000 đồng/kg... Đây là mức tăng được cho là quá cao, khiến người nông dân khó có lãi.
TS Dương Văn Ni (Đại học Cần Thơ) cho biết phân bón tăng nóng, hệ luỵ trước mắt là thu nhập của nông dân vốn đã thấp lại càng giảm sâu hơn. Về lâu dài một bộ phận nông dân với diện tích nhỏ, thu nhập không đủ sống sẽ bỏ ruộng. Đồng thời làm cách biệt giàu nghèo trong nông nghiệp gia tăng khi người đất nhiều, vốn mạnh sẽ đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ngược lại người ít tiền phải cắt giảm, sâu bệnh sẽ tập trung tấn công những thửa ruộng này.
Trước "bão giá" phân bón, GS.TS Võ Tòng Xuân nói nông dân cần giảm lượng giống gieo sạ còn 80-100 kg một ha, để vừa tiết kiệm giống vừa giảm lượng phân sử dụng, nhưng không làm giảm năng suất. "Chúng tôi thực nghiệm giữa hai thửa ruộng, sạ 200 kg giống một ha và sạ 80 kg. Cả hai đều cho năng suất 6-7 tấn", GS Xuân nói và lý giải nông dân thường xuyên sạ dày khiến đất thiếu lân, lúa không nở bụi. Trong khi chủ ruộng sạ thưa, một hạt lúa phát triển 7-8 cây, định lượng dinh dưỡng trong đất cân đối nên lúa ít sâu bệnh.
Th.S Lâm Trọng Nghĩa, cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông, cho rằng phân bón tăng là thách thức với nông dân, song là cơ hội để họ thay đổi tư duy, từ bỏ việc lạm dụng phân bón tăng năng suất. Nông dân không quyết định được giá lúa, phân bón nhưng có thể giảm chi phí, năng suất giảm nhưng tổng thể lợi nhuận vẫn đảm bảo. Ngoài ra, áp lực phân bón vô cơ tăng cao sẽ thúc đẩy những nhóm sản xuất phân hữu cơ, nông sản sạch phát triển.
Theo TS Dương Văn Ni, có nhiều mô hình hiệu quả để giảm phụ thuộc phân bón hoá học như nuôi vịt, cá trên ruộng lúa, nuôi trồng thuận thiên. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt phải giải bài toán kinh tế về tiêu thụ, giá cả, xây dựng thương hiệu, chất lượng, mở rộng diện tích... để nông dân có lợi.
Ngọc Tài - Hoàng Nam