Người nông dân ở thị trấn Erquelinnes, tỉnh Hainaut, tây nam Bỉ, hồi đầu tháng này vô tình dịch chuyển cột mốc biên giới với Pháp, được đặt từ năm 1819, vì tưởng rằng đây chỉ là một "tảng đá phiền phức" trên mảnh đất nông nghiệp nhà mình.
Tảng đá này có khắc con số 1819, năm nó được chôn xuống để đánh dấu biên giới giữa Pháp và Bỉ, ngay trước khi hai nước ký hiệp ước phân định lãnh thổ năm 1820. Tuy nhiên, người nông dân Bỉ lại cảm thấy khó chịu vì tảng đá cản lối di chuyển máy cày của mình, nên quyết định dịch chuyển nó.
Sự việc chỉ được phát hiện khi một nhà sử học đi dọc đường phân định và phát hiện ra rằng cột mốc biên giới đã tồn tại 200 năm qua đang nằm trên lãnh thổ Pháp, lệch so với vị trí ban đầu 2,29 mét.
Hành động vô tình của người nông dân này đã gây ra sự cố ngoại giao hy hữu giữa hai nước Pháp - Bỉ, song giới chức địa phương đều nhìn nhận sự việc theo cách tích cực và hài hước.
"Mọi chuyện sẽ được giải quyết, chúng tôi đã tìm ra người dịch chuyển hòn đá và giải quyết rắc rối. Sự việc không hề nghiêm trọng mà khiến chúng tôi bật cười nhiều hơn. Chúng tôi sẽ sớm khôi phục cột mốc biên giới. Chúng tôi không hề có ý 'ăn gian' lãnh thổ Pháp", Thị trưởng Erquelinnes David Lavaux nói, thêm rằng chính quyền hai nước đều muốn giải quyết sự cố theo cách thân thiện và nhanh chóng.
Aurelie Welonek, Thị trưởng Bousignies-sur-Roc, Pháp, nơi lãnh thổ vô tình bị người nông dân Bỉ "chiếm" thêm 1.000 mét vuông, cũng thông báo giới chức hai nước đã thỏa thuận và không hề có mối quan ngại về sự cố này.
"Tôi hoàn toàn tin tưởng người đồng cấp Bỉ đã làm mọi điều cần thiết với người nông dân. Chúng tôi đã yêu cầu dịch chuyển hòn đá về chỗ cũ và chỉ khi ông ấy không hợp tác, Bộ Ngoại giao mới vào cuộc", Thị trưởng Welonek nói.
Hai thị trấn Erquelinnes và Bousignies-sur-Roc nằm hai bên biên giới Bỉ - Pháp, trong đó Erquellines có dân số khoảng 10.000 người, còn Bousignies-sur-Roc là nơi sinh sống của khoảng 400 cư dân.
Ngọc Ánh (Theo CNN)