Ting Mong trong tiếng Khmer là "bù nhìn", từng xuất hiện ở các ngôi làng Campuchia bị ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết hay tiêu chảy. "Lần này, tôi đã dựng Ting Mong để ngăn nCoV đe dọa gia đình", nông dân Sok Chany, 45 tuổi, nói.
Chany cho hay bà dựng hai Ting Mong trước ngôi nhà sàn của mình ở tỉnh Kampong Cham, cách thủ đô Phnom Penh khoảng 110 km về phía đông bắc. Một Ting Mong mặc áo hoa, trong khi bù nhìn còn lại được nhồi bằng cỏ khô, mặc áo rằn ri và khoác chiếc gậy giống như khẩu súng ngang ngực.
"Theo tín ngưỡng cổ xưa, chúng tôi dựng Ting Mong khi có những dịch bệnh nguy hiểm hoặc để xua đuổi tà ma", Chany nói.
Nhiều người Campuchia, vương quốc có đa số dân chúng theo đạo Phật, tin rằng mọi thứ trong cuộc sống đều có linh hồn. Ting Mong được cho là để xua đuổi những linh hồn ma quỷ muốn gây hại cho một gia đình nào đó, như bằng cách lây lan bệnh tật.
Ở làng Trapeang Sla của bà Chany, nơi chưa ghi nhận ca nhiễm nCoV nào, cổng vào của hầu hết mọi ngôi nhà đều gắn một Ting Mong, dù mỗi hình được "thiết kế" khác nhau. Một số được mặc quân phục cầu kỳ, có bù nhìn lại mặc đồ ngủ bằng hoa, trong khi một số được nhồi vải đơn giản hoặc đeo kính râm.
Một nông dân khác trong làng, Ton Pheang, 55 tuổi, nhồi quần áo cũ lên cánh tay của Ting Mong, mặc áo sơ mi hồng tươi và đội mũ bảo hiểm cho bù nhìn.
"Đây là bù nhìn thứ hai của tôi, cái đầu tiên đã bị hỏng", Pheang nói, thêm rằng bù nhìn của ông đã dầm mưa dãi nắng, canh gác cho gia đình kể từ tháng 4, khi dịch Covid-19 bắt đầu lan khắp Đông Nam Á.
"Chúng tôi vẫn ổn kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Tôi sẽ tiếp tục để Ting Mong chừng nào Covid-19 vẫn còn", ông Pheang nói.
Campuchia dường như nằm ngoài vùng ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, khi đến nay chỉ ghi nhận 283 ca nhiễm và không có ca tử vong, dù một số ý kiến cho rằng số ca nhiễm thấp ở nước này là do năng lực xét nghiệm còn hạn chế.
Mai Lâm (Theo AFP)