Ngày 6/5, Bộ Tài nguyên môi trường (TNMT) đã lấy ý kiến doanh nghiệp bất động sản phía Nam để chuẩn bị cho lần dự thảo sửa đổi luật đất đai trong tháng 7 tới. Phân lô bán nền là một trong những nội dung nhận được nhiều đề xuất của doanh nghiệp.
Chia nhỏ dự án rồi bán nền tràn lan trước khi thực hiện từng phát sinh nhiều tiêu cực và bị nghiêm cấm. Tuy nhiên do nhu cầu bức bách về nhà ở tại một số địa phương nên các đề xuất về vấn đề này đang được xem xét lại.
Đại diện Công ty tư vấn thiết kế Abbo cho rằng, tâm lý chung, lãnh đạo nào cũng muốn khu vực mình quản lý được phân lô bán nền để phục vụ nhu cầu về nhà ở ngày càng gia tăng của cộng đồng. Cung không đủ cầu nên dễ phát sinh mâu thuẫn. Vì thế, ông mạnh dạn đề nghị Bộ xem xét cho bán nền với điều kiện chủ đầu tư phải cam kết thực hiện dự án và hoàn tất hạ tầng đúng như kế hoạch.
Chủ tịch HĐQT Công ty Thủ Đức House, ông Lê Chí Hiếu phát biểu, khi dự án đã được quy hoạch xong, nên cho phân lô bán nền kèm theo những ràng buộc cụ thể. Điều này sẽ giải quyết được phần nào nhu cầu bức xúc về nhà ở của người dân. "Nhà nước không bao quát được bộ mặt đô thị mà cấm phân lô bán nền là biểu hiện của quản lý yếu kém", lãnh đạo một công ty địa ốc nói.
Một dự án đang san lấp mặt bằng tại khu Nam TP HCM. Ảnh: Bảo Quân. |
Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Công ty bất động sản Hoàng Quân, ông Trương Thái Sơn băn khoăn: "Nếu Luật Đất đai cho phép phân lô bán nền thì hoàn toàn đi ngược lại với quy định của Luật Nhà ở của Bộ Xây dựng, buộc phải có hạ tầng và móng mới được bán nhà".
Trước các ý kiến trái chiều, Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Thế Ngọc cho hay, bộ sẽ xem xét 3 phương án: một là cho phân lô bán nền nhưng quản chặt về quy hoạch, kiến trúc và xây dựng. Hai là phân vùng được phân lô. Phương án ba sẽ nghiêm cấm phân lô bán nền trong đô thị, chỉ cho phép làm tại nông thôn.
Ông Ngọc giải thích, xu hướng hiện nay nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Vì thế, việc phân lô bán nền chỉ có thể thực hiện hạn chế tại các vùng ven, cách xa khu trung tâm.
Bên cạnh những đề xuất về phân lô bán nền, hàng chục kiến nghị liên quan đến việc nhà nước thu hồi đất hay doanh nghiệp tự thỏa thuận đền bù được đưa ra tranh luận sôi nổi.
Giám đốc Công ty địa ốc Bình Dân, ông Lê Ngọc Tú đề xuất nên cho doanh nghiệp tự thương lượng và đền bù như trước đây. Nhà nước giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thu hồi với cơ chế cào bằng một giá sẽ khó thực hiện. Bởi lẽ người dân đều hiểu giá đất cao hay thấp còn tùy thuộc vào vị trí, không thể đánh đồng tất cả.
Ngoài ra, ông Tú còn kiến nghị thêm, quyết định thu hồi đất phải do UBND cấp thành phố của địa phương ban hành mới đủ sức thuyết phục. Theo ông, để quận huyện ra quyết định thu hồi sẽ gây phiền hà vì chuyện xin - cho, phát sinh nhiều tiêu cực do mối quan hệ cá nhân.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Công ty bất động sản Anpha, ông Bùi Công Giang nêu thực trạng các tỉnh thành đang gặp phải nạn găm đất, ghìm đất trong khu quy hoạch để làm giá. Những đầu nậu đất này "chiến đấu" đến cùng với chủ đầu tư, đòi bằng được mức giá cao nhất.
Theo ông Giang, cuộc chiến không khoan nhượng này nếu không có sự can thiệp của Nhà nước hỗ trợ cưỡng chế, chắc chắn sẽ thành quy hoạch treo và dự án treo. Ông cũng thừa nhận, nhà nước hay tư nhân thu hồi không quan trọng, dù là ai cũng phải đền bù theo khung giá thị trường thì người dân mới chịu di dời.
Giới kinh doanh địa ốc đồng loạt đề xuất, trong trường hợp chủ đầu tư đã thu hồi được 80 - 90% dự án nhưng 10-20% còn lại không thỏa thuận nổi thì nhà nước sẽ hỗ trợ bằng cách cưỡng chế thu hồi.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ TNMT cho biết, trong tương lai, Trung tâm phát triển quỹ đất sẽ đảm nhiệm việc đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất chứ không để doanh nghiệp tự thỏa thuận đền bù với nhiều khung giá cao thấp khác nhau.
Thứ trưởng cho hay, hiện nay, Bộ TNMT đang rà soát cơ chế tài chính cho tổ chức này hoạt động.
Theo ông Ngọc, giá đất tại Việt Nam từng trải qua nhiều đợt tăng giá cao ngất ngưỡng, gây bất ổn xã hội. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là doanh nghiệp tự thỏa thuận đền bù với mức giá không kiểm soát, đẩy giá đất lên cao. Chính vì thế, Bộ TNMT tính đến chuyện bỏ cơ chế tự thỏa thuận, chỉ áp dụng một mức giá chung để giá đất trên thị trường tự động được điều chỉnh lại.
Song, không ít chuyên gia bất động sản khuyến cáo rằng, Trung tâm phát triển quỹ đất khó đảm đương nổi hàng nghìn dự án cần thu hồi đất trong cùng một thời điểm với một khung giá cứng nhắc. "Trung tâm này cần cơ chế thoáng và linh hoạt, nếu làm theo kiểu quan liêu thì bộ mặt đô thị càng thêm nhếch nhác", một chuyên gia nhận định.
Dự kiến trong tháng 7, Bộ TNMT sẽ hoàn thành dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Đất đai trình Chính phủ. Cuối năm 2010, Bộ sẽ hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ năm 2011-2012, Bộ TNMT sẽ xây dựng một bộ luật hoàn chỉnh về đất đai. Bảng giá đất toàn quốc cũng sẽ được điều chỉnh 5 năm một lần thay vì mỗi năm như trước đây. |
Vũ Lê