Tôi đi Đài Loan khi con gái mới học lớp một. Tôi đã do dự, đắn đo rất nhiều nhưng rồi vẫn quyết định đi. Đồng lương công nhân còm cõi của vợ chồng tôi không đủ để mang lại cuộc sống đầy đủ và tương lai tốt đẹp hơn cho con. Tôi thấu hiểu rằng một người bỏ lại đằng sau quê hương, người thân, bạn bè... để đi nước ngoài kiếm sống cần bao nhiêu quyết tâm và phải trải qua bao nhiêu tủi cực, cô đơn, nhung nhớ...
Tôi được em gái lấy chồng Đài bảo lãnh sang theo chế độ bảo lãnh người thân. Thời gian đầu thực sự khó khăn khi một chữ cắn đôi cũng không biết, mọi thứ đều xa lạ, đều mới với tôi. Tôi làm ở Đài Trung còn em tôi sống với gia đình chồng ở Đài Bắc. Nhiều khi thức trắng đêm vì nhớ chồng, nhớ con, nhớ bố mẹ,anh em.
Nhiều khi cơm chan nước mắt mà vẫn tự nhủ với lòng phải cố lên, phải kiên cường lên. Cả tháng tôi mới gọi điện về nhà được một lần để nghe tiếng con gọi mẹ và nghe con kể chuyện nó là động lực cho tôi mỗi ngày, cũng là nỗi giày vò xót xa từng đêm của tôi khi lần nào gọi điện thoại nó cũng hỏi câu: "Mẹ ơi, bao giờ mẹ về?".
Con gái bé bỏng tội nghiệp của tôi sau khi chờ khoảng năm cái Tết mà không thấy mẹ đâu thì nó không bao giờ hỏi lại câu này nữa. Công việc đầu tiên của tôi là nhổ và rửa hành ở Đài Trung. Tôi làm được hơn một năm rồi bỏ vì lương thấp mà công việc lại vất vả. Sau đó tôi đến Đài Bắc giúp việc cho gia đình nhà người ta trong hơn một năm rồi chuyển sang làm bản mạch điện tử. Đây cũng là công việc tôi gắn bó lâu nhất ở đây.
Công việc cũng không có gì nặng nhọc nên tôi làm ca đêm để nhận lương cao hơn, cứ như vậy quanh năm suốt tháng. Đến năm 2006 thì chồng tôi cũng sang đây làm. Chúng tôi ra sức làm, tiết kiệm chắt chiu từng đồng trong tiếng dè bỉu, chê trách của mọi người, rằng tham lam, rằng không biết đủ. Cũng may rằng con gái tôi ngoan và học cũng khá, lại được ông bà chăm sóc và dạy bảo tốt nên vợ chồng tôi không phải lo lắng mà chỉ yên tâm làm.
Đến năm 2015, chồng tôi đột ngột phát bệnh và phải đặt cọc 200 triệu đồng mới được chữa bệnh vì chúng tôi là dân định cư trái phép. Anh nhanh chóng ra đầu thú để về Việt Nam chữa trị. Do đang có hồ sơ bệnh án nên được chấp thuận mà không bị giam ngày nào. Còn tôi thì không thể về cùng được với chồng vì lằng nhằng thủ tục. Khi chồng tôi ở viện Ninh Bình chữa trị thì con gái học ở Hà Nội còn khi ở viện Bạch Mai thì con bé lại chuẩn bị lên Xuân Hòa học quân sự thế nên số lần hai cha con gặp nhau chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Ngày về Việt Nam, tôi ghé qua Vĩnh Phúc thăm con rồi mới về chỗ chồng. Chồng tôi qua đời trước hôm con bé kết thúc đợt học quân sự một ngày và ngày cả gia đình chúng tôi được đoàn tụ sau hơn 12 năm xa cách cũng chính là ngày chồng tôi mất. Biến cố ấy làm thay đổi cuộc sống của mẹ con tôi rất lớn, cũng làm tan vỡ bao nhiêu dự định, ước mơ của cả ba chúng tôi.
Cơn ác mộng chỉ có thể gói gọn vỏn vẹn trong mấy từ: nghiệt ngã, cay đắng, đau đớn... Đài Loan vẫn luôn là miền ký ức khắc khoải trong tôi. Có một chút hoài niệm, một chút nhớ nhung và cả chút gì đó luyến tiếc. Tôi đã tham lam, đã không biết đủ, đã sai chăng? Lỗi lầm của tôi là mong muốn một cuộc sống đầy đủ hơn chăng?
Thanh Ngọc
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com