Vào một ngày thời tiết âm u của tháng một, trong ngôi làng Kongthong của người Khasi, Shidiap Khongsti hát một giai điệu nhẹ nhàng, du dương. Âm thanh như trong bài hát ru của người mẹ mỗi khi vỗ về con khóc. Vài giây sau đó, âm thanh khác ngắn gọn đáp lại Shidiap và cậu cháu trai đang tức tốc chạy lại phía cô. Trên thực tế, Shidiap không hát, cô đơn giản chỉ đang gọi tên cậu bé.
Shidiap là phụ nữ thấp bé, ngoài 50 tuổi. Cô mặc một chiếc jainsen (trang phục truyền thống của phụ nữ Khasi, một dạng váy dài) và choàng bên ngoài một tấm khăn dài quấn quanh người. Trong ngôi nhà nhỏ được bao quanh bởi những bụi tre, Shidiap rót một tách lsl sha (trà chai Ấn Độ, một loại thức uống được làm bằng cách ủ trà đen với hỗn hợp các loại gia vị, thảo mộc) mời khách.
Cô giới thiệu với Zinara Rathnayake, du khách đến từ Sri Lanka, cậu cháu trai của mình, tên là Barailang Khongsti. Barailang năm nay 23 tuổi, và chưa từng rời khỏi làng. Hàng ngày, cậu giúp Shidiap làm việc vặt trong nhà. Không giống những người khác trong làng chỉ nói tiếng bản địa, Barailang thông thạo tiếng Hindi (hiến pháp quy định tiếng Hindi viết bằng chữ Devanagari là ngôn ngữ chính thức của liên bang Ấn Độ).
"Tôi không biết điều này được bắt đầu từ bao giờ", chàng trai trẻ nói về những bài hát đặc biệt của làng mình. Cậu chỉ biết rằng thế hệ đi trước đã sử dụng các giai điệu này khi đi săn. Họ tin rằng những linh hồn trong tự nhiên không thể theo dõi họ nếu gọi nhau bằng một điệu hát. Khi được hỏi về chuyện lấy vợ, chàng trai trẻ bẽn lẽn. Nếu cậu lấy vợ đến từ một ngôi làng khác, người không được đặt tên theo một điệu hát, cô dâu tương lai sẽ được mẹ chồng đặt cho một giai điệu. Và người con dâu sẽ thay mẹ chồng tiếp nối truyền thống đặt tên này.
Khi quay vào bếp, Shidiap xới cơm trắng lên một chiếc đĩa nhỏ và đưa cho chồng, cùng tách trà đỏ. Chồng cô ngồi cạnh vợ trên chiếc ghế gỗ và kể về hai cô con gái của họ. Cô con gái út mới 17 tuổi. Mặc dù các bà mẹ chỉ thường dùng các giai điệu để gọi con khi chúng còn nhỏ, Shidiap vẫn thích áp dụng với hai cô con gái lớn của mình. Chồng Shidiap cũng thích điều này.
Đối diện nhà Shidiap là Shithoh Khongsti, 50 tuổi. Cô mở một cửa hàng tạp hóa và có họ hàng xa với Shidiap. Khi khách ghé thăm, cô mời họ ngồi trên một chiếc ghế đẩu làm từ tre và một miếng trầu. Sau đó, cô lần lượt hát những giai điệu - cũng là cách cô gọi lần lượt bảy đứa con của mình. Cô cho biết khi chúng còn bé, cô thường hát ru con mỗi khi ngủ và các giai điệu đó trở thành tên của lũ trẻ.
Shithoh cũng thuộc gần hết các giai điệu tên của mọi người. Khongthong có khoảng 130 hộ dân với 700 người, Shithoh thuộc 500 giai điệu. Và cô thường gọi tên họ - hát các giai điệu - bằng cách đầy yêu thương.
Theo Shithoh, dân làng nhớ tên của họ ngay cả khi làm việc ở các thành phố lân cận như Shillong, thủ phủ của bang Meghalaya hay Sohra, một điểm đến thường xuyên đón khách du lịch. Những người sống bên ngoài làng cũng tiếp tục truyền thống này.
Nhiều du khách lần đầu đến đây đều bất ngờ, và thấy thú vị về cách người Khasi đặt tên. Nhiều thế kỷ qua, người dân đã sử dụng các bài hát riêng biệt để đặt tên cho con mình. Thông thường, người dân sẽ đặt tên cho con trong vòng một tuần kể từ khi chúng được sinh ra. Điều đặc biệt là không ai trùng tên ai, ngay cả sau khi một người nào đó chết đi thì tên của họ cũng không sử dụng lại.
Trong ngôn ngữ của người Khasi, truyền thống đặt tên theo điệu hát được gọi là Jingrwai iawbei, nghĩa nôm na là "bài hát của các bà mẹ", hoặc "bài hát của người phụ nữ đứng đầu gia đình". Và người dân tự hào về truyền thống này.
Cách gọi con cái của các bà mẹ cũng tùy thuộc vào từng địa điểm. Nếu như tại sân chơi, hoặc trước giờ đi ngủ, các bà mẹ sẽ hát một giai điệu ngắn. Còn ở trong rừng, họ sẽ hát một phiên bản dài hơn, thường kéo dài từ 15 đến 20 giây. Khongthong theo chế độ mẫu hệ, trẻ con theo họ mẹ và tài sản được truyền lại cho cô con gái út trong nhà. Người con gái út đó sẽ không bao giờ rời khỏi quê nhà.
C.A Mawlong, giáo sư lịch sử tại trường Khoa học Xã hội thuộc Đại học Hill ở đông bắc Shillong, tin rằng du lịch sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho truyền thống đặt tên này tồn tại ở Kongthong. Hiện tại, ngôi làng đã phát triển du lịch và mang lại kinh tế cho người dân. Làng hiện có homestay, gồm hai ngôi nhà truyền thống của người Khasi cho khách ở, do cộng đồng quản lý. Ngôi nhà này được làm bằng tre, cạnh sân bóng đá.
Cuối tháng 3, Ấn Độ tuyên bố phong tỏa toàn quốc, hạn chế sự di chuyển của hơn 1,3 tỷ dân. Kể từ ngày 5/4, bang Meghalaya cũng đóng biên với các bang khác. Khongthong cũng thông báo ngừng đón khách. Dân làng sống phụ thuộc vào nguồn cung cấp thực phẩm từ chính phủ. Hàng xóm chia sẻ với nhau các bữa ăn. Đàn ông và phụ nữ làm việc trên những cánh đồng.
Người Khasi sống trong các khu rừng cận nhiệt đới của đồi Khasi, bang Meghalaya. Nơi đây cũng được biết đến với những cây cầu khổng lồ và gần với biên giới Bangladesh.
Anh Minh (Theo Atlasobscura)