Hơn 10 triệu tấn rác thải nhựa bị đổ xuống biển mỗi năm. Lượng rác nổi ghi nhận được chỉ chiếm khoảng 1% tổng lượng rác trên các đại dương. Giới chuyên gia cho rằng 99% còn lại nằm dưới biển sâu, nhưng chưa rõ vị trí.
Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Science hôm 30/4 hé lộ cách các dòng hải lưu hoạt động giống băng chuyền, đưa những mảnh nhựa tí hon xuống đáy biển. Các dòng hải lưu này có thể trộn vi nhựa với trầm tích, tạo ra những "điểm nóng vi nhựa". Chúng là phiên bản biển sâu của "đảo rác nổi", hình thành do hải lưu gần mặt biển.
"Hầu hết mọi người đã nghe đến các đảo rác nổi. Tuy nhiên, chúng tôi rất sốc trước mật độ vi nhựa cực lớn phát hiện dưới đáy biển sâu. Chúng tôi nhận thấy vi nhựa không phân bố đều ở khu vực nghiên cứu. Thay vào đó, chúng bị cuốn theo các hải lưu mạnh gần đáy biển và tích tụ ở một số nơi nhất định", Ian Kane, tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ tại Đại học Manchester, cho biết.
Nhóm nghiên cứu thu thập mẫu trầm tích dưới đáy biển Tyrrhenus, một phần của biển Địa Trung Hải, kết hợp với các mô hình về hải lưu biển sâu và bản đồ chi tiết của đáy biển. Trong phòng thí nghiệm, họ tách vi nhựa khỏi trầm tích, đếm dưới kính hiển vi rồi phân tích bằng quang phổ hồng ngoại để xác định loại nhựa. Kết quả là có nơi tồn tại đến 1,9 triệu hạt vi nhựa trong một m2.
Phần lớn vi nhựa dưới đáy biển đến từ các loại vải và quần áo. Chúng không được lọc hiệu quả tại các nhà máy xử lý nước thải nên đã trôi ra sông, cuối cùng ra biển. Dưới biển, chúng sẽ chậm rãi lắng xuống hoặc bị loại hải lưu mạnh chảy dọc theo các vách đá ngầm cuốn xuống biển sâu. Tại đây, hải lưu biển sâu tiếp tục mang chúng đi, trộn lẫn với trầm tích.
Những hải lưu này cũng mang nước chứa oxy và các dưỡng chất. Vì vậy, điểm nóng vi nhựa cũng có thể là nơi sinh sống của nhiều sinh vật biển. Chúng có khả năng sẽ ăn vi nhựa. Nghiên cứu mới chỉ ra mối liên kết trực tiếp giữa hoạt động của các hải lưu biển sâu với sự tích tụ vi nhựa dưới đáy biển, giúp dự đoán vị trí các điểm nóng vi nhựa khác và phân tích ảnh hưởng của vi nhựa đến sinh vật.
"Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách nhằm hạn chế lượng nhựa đổ ra môi trường tự nhiên và tối thiểu hóa ảnh hưởng của chúng đến hệ sinh thái biển trong tương lai", Mike Clare, đồng tác giả nghiên cứu, tiến sĩ tại Trung tâm Hải dương học Quốc gia Southampton, nhận định.
"Thật không may, nhựa đã trở thành một loại hạt trầm tích mới dưới đáy biển cùng với cát, bùn và các chất dinh dưỡng", tiến sĩ Florian Pohl tại Đại học Durham nói.
Thu Thảo (Theo Science Daily)