Các nhà khoa học từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) đã thu thập một cách có hệ thống những mảnh rác thải nhựa trôi dạt vào đảo Chim ở South Georgia và Signy ở South Orkneys trong hơn ba thập kỷ. Kết quả cho thấy mức độ ô nhiễm gia tăng đáng kể tại Nam Cực với hơn 10.000 mảnh rác được thu thập, phần lớn trong đó là nhựa như bao bì thực phẩm, túi nylon, chai đựng nước và ngư cụ bỏ đi.
"Các cuộc khảo sát gần đây ghi nhận số lượng mảnh nhựa ngày càng tăng. Chúng có thể đã vỡ ra từ những mảnh lớn hơn ở Nam Đại Dương trong một thời gian dài", Tiến sĩ Claire Waluda tại BAS, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
"Tuy nhiên, không phải tất cả đều là tin xấu. Lượng nhựa được thu hồi trên bãi biển đã đạt đỉnh vào những năm 1990. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các biện pháp hạn chế rác thải nhựa trôi dạt vào Nam Đại Dương đã phần nào phát huy hiệu quả. Bằng cách đưa dữ liệu vào mô hình hải dương học, chúng tôi có thể tìm hiểu về nguồn gốc của rác thải, cũng như cách chúng di chuyển vào Nam Đại Dương", Waluda nói thêm.
Waluda cùng các cộng sự còn tập trung theo dõi các loài chim biển bởi chúng có xu hướng tiêu thụ rác thải nhựa do nhầm lẫn là thức ăn. Trong hơn 30 năm, nhóm đã xem xét những thay đổi trong hành vi ăn nhựa của ba loài hải âu mày đen và hải âu petrel trên đảo Chim, và phân loại các mảnh vỡ được tìm thấy theo kích thước, màu sắc và nguồn gốc.
Nhóm nghiên cứu đã nhận thấy sự khác biệt đáng kể về đặc điểm của rác thải nhựa liên quan đến các loài chim biển ở South Georgia. Ví dụ như ở hải âu tuyết (Diomedea exulans), các mảnh rác chủ yếu là bao bì thực phẩm được đóng gói ở Nam Mỹ. Loài hải âu này thường nhặt rác phía sau tàu thuyền, vì vậy các bao bì rất có thể là sản phẩm thải từ các thủy thủ trên tàu.
"Nghiên cứu của chúng tôi đã bổ sung bằng chứng cho thấy tàu thuyền đóng góp lớn vào ô nhiễm nhựa. Rác thải trôi nổi rõ ràng là mối đe dọa đối với các loài chim và sinh vật biển khác", Giáo sư Richard Phillips tại BAS, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết. "Chúng ta cần tuân thủ quy định quản lý chất thải cả trên đất liền lẫn tàu thuyền ở Nam Đại Tây Dương".
Đoàn Dương (Theo Science Daily)