Đó là hiện tượng Baikal Zen - những tảng đá lớn nằm cân bằng trên "chân" băng mỏng, nhô lên phía trên mặt hồ. Điều này khiến du khách ghé thăm có cảm tưởng như chúng đang bay lơ lửng trên mặt nước. Các nhà khoa học đã nghiên cứu hiện tượng hiếm gặp này trong nhiều năm, và đến nay vẫn chưa có lời giải thích chính xác.
Những bức ảnh chụp Baikal Zen bắt đầu lan truyền trên mạng, thu hút sự quan tâm của dư luận từ 4 năm trước. Tuy nhiên, nhiều người đã khẳng định đây là kết quả của Photoshop. Nhưng khi đông đảo du khách đổ xô tới hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, sự thật được chứng minh: Baikal Zen là kiệt tác của thiên nhiên.
Những tác phẩm này có thể xuất hiện trên mặt hồ trong suốt mùa đông, nhưng cần hội tụ một số điều kiện nhất định. Những cơn gió mạnh thỉnh thoảng thổi trên hồ cũng đóng vai trò quan trọng để tạo ra hiện tượng này, vì nó ngăn sự tan chảy của lớp băng đỡ các tảng đá.
Hồ Baikal chứa hơn 23.600 km3 nước, chiếm hơn 20% lượng nước ngọt trên trái đất và khiến nó trở thành hồ nước ngọt lớn nhất thế giới về thể tích. Lượng nước của Baikal bằng tất cả hồ lớn ở Bắc Mỹ cộng lại. Nếu tính theo diện tích bề mặt rộng 31.700 km2, hồ rộng thứ bảy trên thế giới, tới mức nhiều du khách từng nhầm tưởng Baikal là biển. Với độ sâu lên đến 1.642 m và niên đại ít nhất 25 triệu năm, nó là hồ sâu nhất, lâu đời nhất trên thế giới. Năm 1996, UNESCO công nhận hồ Baikal là di sản thế giới.
Thời điểm thăm hồ lý tưởng nhất là mùa hè với ngày dài, và là cơ hội lý tưởng để du khách đi bộ đường dài, đi xe đạp, cắm trại, câu cá bên hồ. Vào mùa đông, thời tiết nơi này rất khắc nghiệt, có thể xuống tới -40 độ C, lớp băng có thể dày tới 2 m. Trước đại dịch, du khách thường tới hồ bằng tuyến đường sắt dài 9.289 km xuyên Siberia huyền thoại.
Anh Minh (Theo The Time)