Chúng ta thường nghe đến việc con người chiếm lấy khu vực sinh sống của các loài thú chứ chưa bao giờ chứng kiến điều ngược lại. Năm 1978, khu cầu cảng số 39 ở San Francisco được đóng mới và mở rộng. Những chú sư tử biển sống trên những mỏm đá ngoài vịnh phát hiện ra nơi lý tưởng hơn để nghỉ ngơi và phơi nắng thoải mái, đó chính là những mặt gỗ nổi tại cầu cảng vốn dành cho những con thuyền vào neo đậu.
Nhưng sự xâm chiếm của đàn sư tử biển chỉ dâng lên mạnh mẽ một thập kỷ sau đó. Bến tàu cần phải được cọ rửa và đánh bóng lại vì rong rêu và sinh vật ký sinh bám đầy. Tất cả thuyền bè tạm thời di chuyển sang chỗ khác bỏ lại khu vực trống trải. Ban đầu một vài con, sau đó cả đàn lớn sư tử biển, khám phá ra nhà mới của mình.
Việc làm sạch bến tàu hoàn thành và những chủ thuyền bắt đầu đưa phương tiện của họ trở lại Pier 39. Không ai cố gắng xua đuổi những chú sư tử mà ngược lại họ vui thích ngắm nhìn chúng. Tuy vậy, số lượng của chúng tăng lên nhanh chóng, đầu năm 1990 đã có hơn 150 cá thể thường xuyên có mặt.
Những chủ thuyền đối mặt với nhiều vấn đề nảy sinh. Việc thuyền ra vào có thể khiến các chú sư tử biển nặng đến nửa tấn bị thương và không ai chịu trách nhiệm bồi thường nếu có thiệt hại gây ra đối với những phương tiện đắt tiền này.
Chủ đầu tư của bến tàu quyết định làm theo lời khuyên của Trung tâm nghiên cứu các loài thú có vú dưới biển là nhường những bến tàu cho sư tử biển và thuyền được chuyển đến một chỗ mới gần đó.
Bạn cũng có thể tự hỏi tại sao sư tử biển chọn sống gần với con người như thế. Khu vịnh tự nhiên không có những loài thú đe dọa chúng như cá kình và cá mập trắng vốn rất thích mùi vị béo ngậy của thịt sư tử biển. Hơn nữa trong vịnh có rất nhiều cá (hầu hết là cá trích) nhất là những tháng mùa hè. Các chú sư tử biển tập trung tại khu cầu cảng bởi chúng cảm thấy an toàn và đầy đủ thức ăn.
Luật lệ bang California không cho phép bất cứ ai chăm sóc, cho ăn hay đe dọa đến sư tử biển. Ngược lại chúng có quyền cắn mà không… bị kiện khi cảm thấy bị đe dọa.
Dân số sư tử biển ngày càng tăng, năm 2009 thời điểm cao nhất có đến 1.700 chú tại Pier 39, biến nơi này thành một điểm thu hút khách du lịch. Các chú sư tử biển cũng chẳng lấy làm phiền lắm khi hàng ngày có rất nhiều lượt người đến ngắm nhìn, chỉ trỏ hay chụp hình chúng. Ngược lại, loài động vật có vú chân màng này còn thoải mái kêu réo, tỏ tình hoặc ngủ một cách ngon lành.
Với sự giúp đỡ từ những người bạn là con người, sư tử biển đã có thêm những mặt sàn gỗ nổi để nghỉ ngơi. Chúng hiện tại được trung tâm hải dương học chuyên bảo tồn và nghiên cứu các loài động vật biển có vú theo dõi.
Những người thường xuyên đến khu Pier 39 sẽ sớm nhận ra số sư tử biển độc thân và hiểu thêm vềsự thông minh và tính nghịch ngợm của chúng. Các chú sư tử biển đực có thể phân biệt dễ dàng khi có kích thước to gấp 2 - 4 lần con cái và đầu có một chỏm “tóc” khi trưởng thành.
Một điều thú vị nữa là rất nhiều người sống ở San Francisco gọi chúng là hải cẩu. Thật sự, đây là loài sư tử biển Californian, bạn có thể nhận ra nhờ chúng có vành tai, trong khi hải cẩu không có. Sư tử biển có thể sống đến 25 năm và Pier 39 đã trở thành một mái nhà an toàn để loài thú này trú thân. Tất cả mọi người đều ủng hộ chúng tiếp tục sống tại cầu cảng số 39 thêm nhiều thế hệ nữa.
Tại San Francisco, du khách có để dùng các phương tiện giao thông công cộng để đến Pier 39 như:
BART: tàu điện, chọn tuyến Pittsburg/ Bay Point và xuống tại trạm Embarcadero sau đó đi bộ dọc theo khu cầu cảng.
Muni: các tuyến xe bus 47, 8x và 39 đều dừng lại tại trạm Pier.
Ngoài bến tàu số 39, du khách đến đây có thể thăm một số điểm xung quanh như Khu bến ngư phủ - Fisherman’s Wharf, ngắm nghía những món quà lưu niệm dọc đường, thăm tàu ngầm USS Pampanito từng phục vụ trong Chiến tranh thế giới thứ hai, thuê một chỗ câu cá (khoảng 10 USD gồm cần và mồi) hoặc lên tàu ra vịnh ngắm nhìn cầu Cổng Vàng – Golden Gate bridge tại bến tàu số 42 (giá 24 – 40 USD tùy hành trình).
Hoài Nam