Thành phố Zaragoza phải triển khai một lữ đoàn khẩn cấp, thiết lập bệnh viện dã chiến, là lời nhắc nhở đau xót, rằng đất nước này chưa hề bước qua đại dịch.
Các nhà chức trách cho biết cơ sở y tế dựng tạm chỉ là biện pháp phòng xa, song chẳng ai quên được cảnh tượng hồi tháng 3, tháng 4 nơi đây. Các bệnh nhân Tây Ban Nha đã lấp đầy từng phòng điều trị, tạo ra cảnh tượng tàn khốc như thời chiến. Số người chết vì Covid-19 tăng hơn 900 mỗi ngày.
Chiến dịch xét nghiệm đại trà cho thấy các ca mắc mới có xu hướng trẻ hơn và không biểu hiện triệu chứng. Bệnh nhân ít có nhu cầu điều trị. Song mối lo ngại vẫn tăng khi các bệnh viện tuyến đầu một lần nữa chịu cảnh quá tải.
Hôm 13/8, Fernando Simón, chuyên ra hàng đầu về virus của chính phủ Tâu Ban Nha, liên tục khẳng định làn sóng thứ hai không khiến quốc gia gục ngã. Ông cho biết con số 3.500 giường điều trị người nhiễm nCoV chỉ chiếm 3% công suất của cả nước.
"Tôi không cho rằng những gì chúng ta đang trải qua giống với hồi tháng 3 và tháng 4. Chẳng có cách nào so sánh được. Nhưng đúng là sự lây lan đã tăng ở mọi khu vực, và chúng ta không thể mất cảnh giác khi vẫn đối mặt với mối nguy lớn", ông nói.
Các chuyên gia đang nỗ lực xác định lý do vì sao tình cảnh tại Tây Ban Nha tồi tệ hơn, trong khi hầu hết các quốc gia Tây Âu khác đã phần nào kiểm soát được dịch bệnh.
Song họ đều công nhận một điều: mức độ nghiêm trọng của làn sóng thứ hai phụ thuộc vào phản ứng của đất nước trong đợt bùng phát đầu tiên.
Rafael Bengoa, cựu giám đốc y tế của vùng Basque Country, chuyên gia quốc tế về tư vấn sức khỏe cộng đồng, nhận định: "Các con số không nói dối. Dữ liệu cho thấy chúng tôi làm tốt công tác theo dõi dịch tễ học địa phương, mọi thứ diễn ra tốt đẹp. Nhưng tại các khu vực khác, năng lực y tế không đủ đối phó với các cụm dịch. Đất nước có nhiều ca nhiễm cộng đồng và mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát".
Bengoa là một trong 20 nhà khoa học kêu gọi điều tra độc lập về quá trình đối phó Covid-19 tại Tây Ban Nha, nhằm xác định những lỗ hổng khiến quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất dù có hệ thống y tế vững vàng. Bức thư ngỏ được đăng tải trên Tạp chí Y khoa Lancet ngày 6/8.
Người dân phần lớn tuân thủ những quy tắc bắt buộc về đeo khẩu trang. Bộ Y tế cũng tiến hành một trong những cuộc kiểm tra dịch tễ lớn nhất thế giới, thử nghiệm ngẫu nhiên 60.000 người. Tỷ lệ lưu hành virus là 5%, cho thấy nước này chưa có miễn dịch cộng đồng.
Số ca nhiễm mới tại đây cũng tăng gấp 5 lần kể từ đầu tháng 7, sau khi lượng bệnh nhân giảm đáng kể nhờ biện pháp giãn cách xã hội ở đợt dịch đầu tiên. Hôm 11/8, Bộ Y tế cho biết trong khoảng 7 ngày, có tới 805 người phải nhập viện vì mắc Covid-19. Hơn 30 trường hợp đến từ Aragón.
Manuel Franco, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Johns Hopkins và Đại học Alcalá, nhận định: "Có nhiều hơn một yếu tố gây ra đợt bùng phát như vậy".
Ông cho rằng cách biệt giàu nghèo ở Tây Ban Nha đã khiến cộng đồng thu nhập thấp, đặc biệt là người hái trái cây, bị ảnh hưởng hơn nhiều. Việc thiếu hụt nhân lực trong công tác giám sát dịch tễ, cộng thêm ngành du lịch phát triển cũng góp phần khiến đất nước một lần nữa bị căn bệnh tàn phá.
Tiến sĩ Rafael Bengoa lại tin rằng các phong tục phổ biến của nền văn hoá Địa Trung Hải, vốn đề cao việc tiếp xúc thể chất, không chú trọng không gian cá nhân, đã làm virus lây lan mạnh mẽ hơn.
"Các buổi tụ họp gia đình rất nguy hiểm. Chúng tôi đang kêu gọi người dân không ôm, hôn hay chạm vào nhau trong những cuộc gặp như vậy", ông nói.
Nhiều thành phố trên cả nước vẫn đề cao cảnh giác sau khi hứng chịu làn sóng đầu tiên. Song dường như việc điều chỉnh nếp sống theo "trạng thái bình thường mới" không đồng đều giữa các khu vực. Chính phủ Tây Ban Nha phải nhượng bộ trước một số địa phương trong việc chấm dứt lệnh giãn cách kéo dài ba tháng.
Tính đến ngày 14/8, nước này ghi nhận khoảng 355.000 ca nhiễm nCoV, trong đó hơn 28.000 bệnh nhân đã tử vong. Tây Ban Nha vẫn nằm trong top 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.
Thục Linh (Theo AP)