Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, hiện "thành phố vẫn an toàn", nhưng nguy cơ "vỡ trận" hoàn toàn có thể xảy ra nếu không kiểm soát tốt người nhập cảnh và nhập cảnh trái phép. Do đó, thành phố cần tiếp tục và gắt gao hơn nữa tập trung kiểm soát nguồn lây từ nhóm này.
Ngày 25/7, khi Đà Nẵng xuất hiện ca nhiễm nCoV 416, các biện pháp như khai báo y tế với người về từ Đà Nẵng từ ngày 1/7 trở thành bắt buộc. Tất cả được yêu cầu tự cách ly tại nhà 14 ngày, hạn chế tiếp xúc. Họ được lấy mẫu dịch mũi, họng xét nghiệm nCoV ít nhất 2 lần. Mọi F1 và người từng đến ba bệnh viện Đà Nẵng, bệnh viện C, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình được đưa đi cách ly tập trung, theo dõi sát sao.
Các thành viên tổ bay quốc tế, các lao động, chuyên gia nước ngoài và công dân Việt Nam về từ nước ngoài được giám sát y tế, lấy mẫu xét nghiệm 100%.
Ngành y tế phối hợp với ban ngành liên quan "đi từng ngõ, gõ từng nhà", giám sát trên diện rộng cộng đồng dân cư để không bỏ sót bất cứ nguồn lây hay ca nghi nhiễm nào. Các cơ sở bán lẻ thuốc phải ghi lại thông tin của người có dấu hiệu cảm cúm, sốt, ho khi tư vấn bán thuốc, hỗ trợ họ khai báo y tế trực tuyến.
Sở Y tế cũng đã yêu cầu mỗi bệnh viện đa khoa thành phố, bệnh viện quận huyện và Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành lập hai đội cơ động phản ứng nhanh. Cùng với 24 đội của 24 quận huyện, sẵn sàng phản ứng nhanh hỗ trợ chuyên môn khi được điều động.
Về cơ sở vật chất, thành phố có 47 bệnh viện công lập và tư nhân có khu cách ly, sẵn sàng tiếp nhận, khám sàng lọc, và thu dung điều trị người nhiễm nCoV. Chưa kể đến các bệnh viện trực thuộc Bộ, ngành đóng trên địa bàn.
Toàn thành phố có hơn 30 khu cách ly tập trung, trải đều khắp 24 quận, huyện. Trường hợp khẩn cấp sẽ mở rộng cơ sở cách ly tại các đơn vị quân đội.
Đặc biệt, TP HCM có 5 bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 với đầy đủ trang thiết bị y tế hiện đại. Gồm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện dã chiến Củ Chi, bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Nhi đồng 2 (nếu người nhiễm là trẻ em). Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Ung bướu cơ sở hai được trưng dụng khi số ca nặng tăng cao.
Về nhân lực, riêng các đơn vị sự nghiệp y tế công lập đã có trên 43.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Hồi tháng 3, UBND thành phố đã từng chỉ đạo cán bộ, nhân viên y tế không được rời thành phố, sẵn sàng chờ lệnh điều động chống dịch.
Ông Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: "Sở Y tế phải sắp xếp nhân sự hợp lý, duy trì đội ngũ bác sĩ luân phiên để không quá tải, kiệt sức".
Năng lực xét nghiệm nCoV được duy trì và tăng tốc. Hiện nay ở TP HCM đã có 13 đơn vị đã được xét nghiệm khẳng định nCoV. Gồm Viện Pasteur, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Quân y 7A, Chi cục thú y vùng 6, Chi cục thú y vùng 7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Bệnh viện FV. Công suất tối đa dự kiến là 12.000 xét nghiệm mỗi ngày.
Ngoài ra, Sở Y tế mới rà soát thêm có 8 bệnh viện địa phương khác đủ năng lực xét nghiệm khẳng định nCoV, gồm Bệnh viện Truyền máu huyết học, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện quận Thủ Đức và Bệnh viện quận 2.
Ngay bây giờ, khi thành phố có 8 ca bệnh, ngành y tế đã lên sẵn kịch bản ứng phó tình huống 50 người nhiễm nCoV. Theo tính toán của Bí thư Thành ủy, mỗi ca nhiễm cần cách ly 280 người. Do đó, 14.000 giường cách ly phải được chuẩn bị. Nếu thành phố có 50 người nhiễm, ngành y tế phải có phương án cho trường hợp số ca nhiễm lên 100 người, để không rơi vào thế bị động.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cho biết, làn sóng Covid-19 này rất phức tạp nhưng TP HCM có kinh nghiệm chống dịch.
"Đợt dịch lần trước đạt đỉnh với 42 bệnh nhân, thành phố vẫn kiểm soát tốt và khống chế về 0. Không nhân viên y tế nào lây nhiễm, không có bệnh nhân tử vong dù bệnh nhân 91 rất nặng", ông Nhân nói.
Thư Anh