Hai sinh viên Kim Joon-hyup (trái) và Kim Min-ye đang làm bài tập hẹn hò trong khóa học "Văn hóa và Giới tính". Ảnh: CNN. |
Kim Joon-hyup vừa có cuộc hẹn đầu tiên trong vòng ba năm. Nhưng chàng sinh viên 24 tuổi này không muốn tìm bạn gái mà đây đơn giản chỉ là một bài tập trên lớp.
Từ việc làm sao để chọn người phù hợp đến đối mặt với việc chia tay thế nào, khóa học "Giới tính và Văn hóa" tại Đại học Sejong ở Seoul đào tạo sinh viên mọi khía cạnh của hẹn hò, yêu đương và tình dục. Khóa học đặc biệt nổi tiếng với bài tập hẹn hò, nơi các sinh viên sẽ bắt cặp ngẫu nhiên để cùng tham gia cuộc hẹn kéo dài 4 tiếng.
"Có rất nhiều học sinh tìm tới khóa học vì bài tập hẹn hò", giảng viên khóa học Bae Jeong-weon nói. "Có những người chưa từng hẹn hò và có những người muốn tạo ra cơ hội bằng việc hẹn hò".
Những khóa học như thế này có lẽ là điều cần thiết. Theo thống kê của Viện Sức khỏe và các Vấn đề Xã hội Hàn Quốc, năm 2018, một lượng lớn người Hàn Quốc trong độ tuổi 20-44 đang sống độc thân, chỉ 26% đàn ông và 32% phụ nữ chưa cưới trong nhóm này đang trong các mối quan hệ tình cảm. Trong số những người không hẹn hò, 51% đàn ông và 64% phụ nữ cho biết họ chủ động chọn sống độc thân.
Tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc năm ngoái đã leo lên mức cao nhất trong vòng 17 năm, đạt 3,8%. Tỷ lệ người trẻ thất nghiệp thậm chí còn cao hơn, với 10,9% người từ 15 đến 29 tuổi không có việc làm. Trong một khảo sát năm 2019 do công ty tuyển dụng JobKorea thực hiện, chỉ 1/10 sinh viên dự kiến tốt nghiệp trong năm nay đã tìm được việc làm.
Trong khi vật lộn để tìm việc, rất nhiều người trẻ Hàn Quốc cho hay họ thiếu thời gian, tiền bạc và cảm xúc để hẹn hò. Trong nhóm người có việc làm, tỷ lệ người muốn hẹn hò ở nam và nữ lần lượt là 31% và 34%, tỷ lệ trên ở nhóm người không có việc làm là 18% và 27%.
Do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động, không ít người trẻ dành thời gian rảnh để học thêm các chứng chỉ hay kỹ năng nghề nghiệp nhằm gia tăng cơ hội tìm được việc làm.
Kim Joon-hyup, sinh viên Đại học Sejong, là một người như vậy. Ngoài giờ học chính trên trường, anh còn tham gia một khóa học thiết kế trò chơi điện tử vào các buổi tối trong tuần.
"Tôi không có nhiều thời gian", Kim nói. "Ngay cả khi tôi gặp ai đó, tôi cũng sẽ cảm thấy có lỗi vì không thể dành thời gian bên họ".
Lee Young-seob, 26 tuổi, sinh viên mới tốt nghiệp, lo sợ rằng hẹn hò sẽ khiến anh xao lãng khỏi mục tiêu tìm việc. "Sự nghiệp là thứ quan trọng nhất đối với cuộc sống của tôi. Nếu tôi hẹn hò ai đó trong lúc tìm việc, tôi sẽ lo lắng và không thể cam kết với mối quan hệ", Lee chia sẻ.
Mặt khác, hẹn hò cũng khá tốn kém. Công ty mai mối Duo ước tính chi phí trung bình cho một ngày hẹn hò là khoảng 55 USD. Người với công việc có thu nhập tối thiểu 7,22 USD/h sẽ phải làm việc 7,6 tiếng để chi trả cho một cuộc hẹn.
Theo điều tra khác của công ty nghiên cứu thị trường Embrain, 81% người được hỏi cho rằng chi phí hẹn hò là nguồn gây áp lực trong một mối quan hệ. Một nửa số người trong điều tra nói dù gặp đối tượng mình thích, họ cũng không hẹn hò nếu tình trạng tài chính bản thân không tốt.
Bà Bae, giảng viên tại Đại học Sejong, cho biết bà hy vọng các bài tập trong khóa học "Giới tính và Văn hóa" có thể thay đổi định kiến này của sinh viên khi họ được yêu cầu chỉ chi 9 USD cho một cuộc hẹn.
"Rất nhiều sinh viên nghĩ hẹn hò là tốn tiền", bà nói. "Nhưng khi làm bài tập, họ sẽ nhận ra rằng nếu suy nghĩ sáng tạo, có vô số cách để tạo ra thời gian vui vẻ mà không cần tốn tiền".
Lớp học "Giới tính và Văn hóa" tại Đại học Sejong, Hàn Quốc. Ảnh: CNN. |
Tài chính không phải vấn đề duy nhất mà các sinh viên trong khóa học của Bae gặp phải. Họ vẫn thường bàn luận với nhau các câu chuyện về tội phạm tình dục, vấn nạn quay trộm hay phân biệt giới tính, những thứ đang trở thành vấn đề nghiêm trọng trong xã hội Hàn Quốc.
Có 32.000 trường hợp bạo lực tình dục được báo cáo cho cảnh sát vào năm 2017, so với 16.000 trường hợp năm 2008. Trong số này, bạo lực liên quan đến người yêu đang gia tăng nhanh chóng. Từ 2016 đến 2018, số vụ nạn nhân bị tấn công bởi đối tác hoặc người tình tăng từ 9.000 lên 19.000.
Lee Ji-su, 21 tuổi, cho hay cô bắt đầu né tránh hẹn hò sau khi một cô bạn bị người yêu đánh vì cô này nói lời chia tay. Cô bạn của Lee vô cùng sợ hãi vì gã bạn trai liên tục xuất hiện tại nhà cô dù quan hệ giữa hai người đã chấm dứt.
"Chứng kiến bạn mình trải qua tình trạng bạo lực như vậy, tôi nhận ra bản thân cần cẩn thận hơn trong việc lựa chọn bạn hẹn hò, nhưng không dễ tìm được một người đàn ông đáng tin cậy", Lee chia sẻ. "Nó khiến tôi phân vân liệu hẹn hò có thực sự quan trọng hay không nếu tôi phải dành quá nhiều thời gian để tìm người đàn ông mà mình có thể tin tưởng".
Với những người không phải lo lắng về bạo lực, họ lại gặp vấn đề khác: Nạn quay trộm. Hàn Quốc đang phải đối diện với vấn đề nghiêm trọng khi phụ nữ thường xuyên bị quay lén để sản xuất phim khiêu dâm. Hơn 6.400 trường hợp đã được báo cảnh sát trong năm 2017.
Theo Bộ Gia đình và Bình đẳng giới Hàn Quốc, 65% số vụ được báo lên Trung tâm Hỗ trợ Tội phạm Tình dục số năm 2018 liên quan đến việc phụ nữ bị quay trộm bởi đối tác hoặc người tình.
Những tháng gần đây, vụ bê bối liên quan đến nhiều ngôi sao nam đang khiến cả Hàn Quốc rúng động. Ca sĩ Jung Joon-young bị bắt hồi tháng ba với cáo buộc quay trộm phụ nữ khi quan hệ tình dục mà không có sự đồng ý của họ, sau đó chia sẻ trên mạng.
"Bê bối K-Pop rõ ràng là một cú sốc lớn với tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ", Bae nói. "Tôi nghĩ phụ nữ giờ đây còn có thêm một nỗi sợ rằng 'Liệu bạn trai có quay phim mình khi hai người quan hệ hay không?'".
Tại Hàn Quốc, trường học được yêu cầu phải dạy 15 tiếng giáo dục giới tính mỗi năm, bắt đầu từ 6 tuổi. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng thời lượng như vậy là chưa đủ.
Theo một cuộc khảo sát của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc năm 2019, 69% người tham gia trả lời câu hỏi nói các bài học giáo dục giới tính ở trường không thực sự hữu ích.
"Rất nhiều người bạn của tôi học về tình dục thông qua phim khiêu dâm. Họ xem phim khiêu dâm và nghĩ rằng 'đó là cách phải làm' hay 'nếu mình làm vậy, bạn gái sẽ cảm thấy tuyệt vời'", Kim Joon-hyup, sinh viên Đại học Sejong cho hay. "Vì thế, khi có trải nghiệm tình dục đầu tiên, họ thường mắc sai lầm".
Nhằm giúp sửa chữa những quan niệm không đúng, lớp học của Bae cung cấp những thông tin cần thiết về quan hệ tình dục.
"Mục tiêu của lớp học là hiểu về sự khác nhau giữa con người, đặc biệt là giữa nam và nữ, cũng như làm thế nào để tạo dựng những mối quan hệ tốt đẹp hay trở thành người tốt thông qua sự quan tâm và tôn trọng người khác", bà nhấn mạnh. "Tôi nghĩ thấu hiểu lẫn nhau là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên một thế giới hạnh phúc và tốt đẹp hơn".
Kim cũng đồng tình. "Tham gia lớp học, tôi biết cách suy nghĩ từ quan điểm của phụ nữ và có thêm hiểu biết khách quan về người khác giới", anh nói và thêm rằng lớp học khiến anh "muốn hẹn hò trở lại".
Vũ Hoàng (Theo CNN)