"Lương có tăng nhưng tiền chi tiêu cũng ngày càng nhiều. Cầm trăm nghìn đi chợ một xíu là hết ngay".
Độc giả có nickname Hiệp Khách bình luận trong bài viết Chênh lệch mức tăng lương tối thiểu và lương thực tế.
Theo đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam chỉ ra lương tối thiểu giai đoạn 2020-2022 tăng 6%, nhưng do lạm phát nên tiền lương thực tế chỉ tăng 0,7%.
Độc giả nickname phungmcn01 than: "Năm 2007 tôi bắt đầu đi làm lương tầm hai triệu đồng vẫn sống ổn. Năm 2023 lương 20 triệu đồng lại chật vật".
Độc giả nickname tuongliencad nêu ví dụ: "25 ký gạo quê tôi vào tháng 11 giá 400.000 một bao, tháng 12 tôi mua là 440.000 một bao.
Giá cả hàng hóa tăng khiến giá trị thật của tiền lương tối thiểu không tăng nhiều. ILO thống kê thời kỳ 2015-2019, lương tối thiểu danh nghĩa tăng 42,7% song lạm phát khiến tiền lương thực tế chỉ tăng 20,1%. Giai đoạn 2020 -2022, lương tối thiểu điều chỉnh trên 6%, song tiền lương thực tế chỉ tăng 0,7%.
Lần gần nhất điều chỉnh ngày 1/7/2022 với mức trung bình 6% sau hai năm rưỡi trì hoãn vì đại dịch Covid-19.
Độc giả Hai Phan Hong cho rằng: "Biên độ tăng lương chưa đáp ứng được mặt bằng chung về giá cả chi tiêu hàng ngày, người thu nhập thấp phải chắt, bóp tiết kiệm tối đa".
Độc giả nguyentrangthutrang: "Lương tăng mỗi năm nhưng lại thấy thu nhập hụt hơi so với nhu cầu xã hội. Đúng kiểu không đáp ứng được đời sống chỉ cố chạy theo mức tối thiểu mà cứ hụt trước hụt sau nên chẳng ai thấy mừng vui mà chỉ dám thở phào vì được thêm tí tiền không đủ bù trượt giá, có còn hơn không.
Vậy nên khi đọc được bài này thấy mừng hơn cả tin tăng lương tầm chục năm trở lại đây. Vì ít nhiều những người có liên quan cũng dần nhận thấy được vấn đề mà dân đã thấy hơn chục năm nay rồi".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.