Cựu binh hải quân Mỹ được biết đến với tên Peter là một người chuyển giới nam. Về mặt sinh học, Peter là một phụ nữ, nhưng từ nhỏ bà đã biết sâu thẳm bên trong mình là một người đàn ông. Bà quyết định chuyển giới từ nữ sang nam sau khi xuất ngũ.
Cho biết mình từng bị quấy rối tình dục trong quân đội, nhưng giống như 60% nạn nhân khác, gồm cả nam và nữ, Peter chưa bao giờ báo cáo việc này. Họ đều hiểu rằng thủ phạm sẽ không bị trừng phạt, còn họ có nguy cơ cao đối mặt với việc bị trả thù. Sau nhiều năm giấu bí mật, Peter quyết định kể về trải nghiệm đáng buồn của bản thân với Task&Purpose.
Trải nghiệm đáng quên
Peter gia nhập lực lượng dự bị của Hải quân Mỹ vào năm 1985 và đảm nhiệm vị trí y tá quân y tới năm 2010. Suốt quãng thời gian đó, bà vẫn tỏ ra là một phụ nữ bình thường bởi quan niệm rằng "việc phục vụ đất nước quan trọng hơn nhiều so với việc là chính mình".
Peter có ngoại hình khá "nam tính" nên đồng đội đã nghi ngờ bà là người đồng tính nữ. Tuy nhiên, do Peter có xu hướng tình dục thích nam giới nên bà vẫn có thể trả lời thành thật rằng mình không có cảm xúc với phụ nữ, bằng chứng là bà chỉ hẹn hò với đàn ông. Tại thời điểm vấn đề đồng tính khiến nhiều binh sĩ bị đuổi khỏi quân đội, xu hướng tình dục này đã giúp bà "ngụy trang".
Trải nghiệm không mong muốn đầu tiên của Peter xảy ra khi bà đang tham dự khóa huấn luyện cơ bản tại Sở chỉ huy Đào tạo Tân binh Orlando và được giao nhiệm vụ đánh máy. Vào ngày làm việc thứ ba, một sĩ quan tại văn phòng đã có hành vi quấy rối với bà.
"Tôi bị đẩy vào tường. Anh ta khống chế và đưa lưỡi vào miệng tôi. Một tay anh ta vuốt ve ngực tôi, tay còn lại đưa xuống phía dưới. Tôi đông cứng lại, không chỉ vì bị tấn công bất ngờ mà còn do chưa có kinh nghiệm tình dục nào. Tại thời điểm đó tôi vẫn đang trong quá trình tìm hiểu giới tính và xu hướng tính dục của bản thân", Peter kể lại.
"Tôi sốc đến mức không thốt lên lời, không thể yêu cầu anh ta dừng lại và nói rằng anh ta làm tôi đau. Anh ta cuối cùng cũng buông ra sau khi nhận thấy tôi không có hứng thú, rồi đuổi tôi đi với thái độ tức giận", bà chia sẻ. Sau sự cố, Peter bị một vết bầm lớn trên ngực, đau vùng nhạy cảm và tự cảm thấy nhục nhã.
Viên sĩ quan không động chạm Peter thêm lần nào nữa. Tuy nhiên, khi bà tới báo cáo vào sáng hôm sau, anh ta cư xử như mọi ngày và nói rằng bà cần phải quên việc đó đi, đồng thời cảnh báo phải "biết giữ miệng" bởi sẽ không có ai tin. Người đàn ông nhấn mạnh nếu Peter nộp đơn khiếu nại, bà sẽ bị đuổi khỏi Hải quân và không bao giờ đạt được ước mơ trở thành y tá quân đội. Cuộc phỏng vấn với Task&Purpose là lần đầu tiên Peter kể về sự việc này. Dù đã xuất ngũ 8 năm, bà vẫn sợ bị trả thù và tẩy chay.
Đây không phải lần duy nhất Peter cảm thấy thất vọng về tổ chức mà bà cam kết cống hiến. Vào năm 2006, 23 năm sau vụ quấy rối đầu tiên, Peter được triển khai tới Afghanistan trong chiến dịch y tế nhân đạo nhằm chăm sóc sức khỏe cho cư dân các ngôi làng hẻo lánh. Bà được chọn vì là nữ, có thể giao tiếp an toàn với phụ nữ và trẻ em mà không vi phạm phong tục tại đây. Căn cứ Peter được gửi đến chỉ có khoảng 10 phụ nữ, nhưng có tới hàng trăm đàn ông.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi tới đây, Peter nhận ra các nam binh sĩ trong căn cứ bắt đầu gọi mình bằng những biệt danh tục tĩu, bởi bà là phụ nữ da trắng duy nhất trong khu vực. Điều này khiến Peter lo sợ nguy cơ bị chính các đồng đội của mình tấn công tình dục một lần nữa.
"Tôi ở trong vùng chiến tranh, thường xuyên phải thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm. Nhưng tôi lo ngại đồng đội của mình còn hơn kẻ thù. Tôi sợ bị ai đó mặc đồng phục giống mình cưỡng bức hơn là bị bom thổi bay hoặc bị giết trong một cuộc phục kích", bà cho biết.
Những lời lẽ quấy rối tình dục nhắm vào Peter trắng trợn và hung hăng đến mức trung sĩ chỉ huy đơn vị, người bảo vệ Peter trong các nhiệm vụ, phải chỉ định hai binh sĩ đáng tin cậy nhất bảo vệ bà mọi lúc mọi nơi.
Đàn ông được ưu tiên hơn phụ nữ
Peter đã nhiều lần bị xâm hại hoặc chứng kiến những phụ nữ khác bị lạm dụng trong suốt 25 năm tại ngũ. Dù vậy, quân đội vẫn chưa tìm ra cách xử lý vấn đề tấn công tình dục, khi những thủ phạm có xu hướng hợp sức lại và tẩy chay người tố cáo. Đã có vô số câu chuyện về những nạn nhân chịu đủ hình phạt vì dám tiết lộ sự thật.
Một báo cáo năm 2018 của Văn phòng Chống tấn công tình dục cho thấy các chỉ huy thường chỉ phạt hành chính những người bị cáo buộc lạm dụng mà không đưa ra tòa án.
Điều này cho thấy quân đội Mỹ dường như bảo vệ đàn ông hơn phụ nữ, có thể liên quan đến tư tưởng rằng phái nữ không thể đáp ứng các tiêu chuẩn về thể chất như đàn ông. Những nạn nhân nam cũng phải chịu định kiến tương tự nếu tỏ ra yếu đuối hoặc bị đồn là đồng tính.
Peter cho rằng cần truy tố các tội phạm tình dục nằm trong bộ máy chỉ huy để tránh những biệt đãi dành cho kẻ phạm tội khác, xa hơn nữa là thay đổi văn hóa quân đội và sự thiếu niềm tin vào phụ nữ. Bà cũng kêu gọi mọi người tin tưởng hơn vào nạn nhân.
"Chúng tôi tham gia quân đội với những lý do giống đàn ông, nhưng phần lớn là để phục vụ đất nước, bất chấp nguy cơ bị thương hoặc bỏ mạng. Chúng tôi chắc chắn không đáng bị tấn công tình dục hay bị chèn ép bởi chính hệ thống lập ra để bảo vệ và bênh vực chúng tôi. Quân đội có khả năng thay đổi, thích ứng, nhưng mọi người phải sẵn sàng thực hiện nó", Peter bày tỏ.
Bà cho rằng nếu quân đội không sẵn sàng thay đổi cách xử lý các trường hợp tấn công tình dục, trách nhiệm này cần chuyển ra bên ngoài để nạn nhân được đối xử công bằng.
Ánh Ngọc