Vào tháng 3, khi Laura, một phụ nữ sống ở Anh, đang lái xe trên đường, iPhone của cô bất ngờ thông báo có một chiếc AirTag đang ở gần. "Tôi không biết nó là thiết bị gì hay có ảnh hưởng gì, nhưng cảm xúc khá hoảng loạn", cô nói.
Laura sau đó tấp xe vào lề với tâm trạng hoang mang. iPhone hiển thị tuyến đường cô đã đi với chấm đỏ là nơi đang đứng. "Tôi bị sốc. Sau khi trấn tĩnh, tôi lái xe thẳng đến nhà người bạn và chúng tôi bắt đầu tìm kiếm trên xe", cô kể.
Hai người lục tung khắp xe, từ khoang đựng găng tay, mở nắp ca-pô cho đến gầm xe, phía sau biển số. Cuối cùng, họ thấy một thiết bị với kích thước đồng xu dưới tấm thảm lót xe. Laura không biết AirTag xuất hiện trên xe bằng cách nào. Cô đã ly thân, nhưng cách đây ít ngày, chồng cô đến chơi cùng cậu con trai của cả hai. Cô nghi ngờ anh là người đã đặt AirTag.
Apple cho ra mắt AirTag hồi tháng 4 năm ngoái. Thiết bị Bluetooth này được giới thiệu với nhiều công dụng: kiểm soát các vật dụng như chìa khóa, ví, ôtô hoặc bất cứ thứ gì có nguy cơ bị mất hoặc bị đánh cắp. Thế nhưng, nó giờ đây như "món quà" cho những kẻ thích rình rập người khác.
"AirTag là vấn nạn nan giải", Violet Alvarez, chuyên gia của Suzy Lamplugh Trust - tổ chức chuyên hỗ trợ pháp lý cho các nạn nhân bị theo dõi, nói. "Thiết bị này quá nhỏ, không gây chú ý và thân thiện với người dùng. Nó cũng không yêu cầu bất kỳ kỹ năng nào về kỹ thuật, lại tương đối rẻ".
Theo Emma Pickering, CEO tổ chức chống lạm dụng gia đình Refuge, trước đây kẻ gian thường tìm đến phần mềm gián điệp hoặc thiết bị theo dõi chuyên dụng trên eBay hoặc Amazon. Nhưng khi AirTag xuất hiện, việc "theo đuôi" người khác dễ dàng hơn rất nhiều. "Tôi thấy AirTag được bày bán trong các siêu thị địa phương và mua dễ dàng mà không hề có sự ràng buộc. Xã hội đang bình thường hóa nó theo cách vô thức", bà Pickering nói.
Đại diện Suzy Lamplugh Trust và Refuge cho biết thường xuyên liên hệ với các nạn nhân như Laura - những người đã tỏ ra hoang mang khi bất ngờ nhận thông báo có AirTag xung quanh. Việc theo dõi cũng đa dạng, như đặt trong balo trẻ em, trên xe hơi, túi xách...
Vào tháng 6, diễn viên người Ireland Hannah Rose May viết bài cảnh báo trên Twitter. Sau khi tham gia một sự kiện tại Disneyland, California, khi chuẩn bị lái xe về lúc 2h sáng, cô phát hiện đã bị theo dõi vị trí suốt hai tiếng đồng hồ bằng AirTag.
Người mẫu Brook Nader của Sports Illustrated cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự rằng ai đó đã nhét thẻ AirTag vào túi áo khoác của cô khi đang trong một nhà hàng ở New York. Cô mô tả trải nghiệm là "khoảnh khắc đáng sợ nhất từ trước đến nay".
Theo Pickering, các nạn nhân thường đoán được ai theo dõi mình trong hầu hết trường hợp, nhưng không tố cáo lên các cơ quan có thẩm quyền. Điều này khiến việc dùng AirTag cho hành vi bất chính ngày càng phổ biến.
Apple từng lên án hành động dùng AirTag để theo dõi người khác. Công ty triển khai phần mềm cho phép người dùng iOS và Android phát hiện thiết bị nhỏ này ở xung quanh, cũng như tích hợp chức năng phát tiếng kêu trên AirTag phục vụ mục đích tìm kiếm.
Dù vậy, Rory Innes, nhà sáng lập tổ chức Cyber Helpline, cho rằng trách nhiệm của Apple phải lớn hơn. "Nếu tìm thấy AirTag, bạn dường như chỉ có cách vứt nó đi. Bạn không thể liên hệ với Apple để tìm hiểu xem ai đã theo dõi mình hay có một phương án nào đó để vô hiệu hóa nó", Innes nói.
Cũng theo Innes, rủi ro từ việc bị theo dõi vị trí rất lớn. Ông trích dẫn nghiên cứu của Cyber Helpline rằng trước khi các vụ giết người nhằm vào phụ nữ xảy ra, có tới 94% là các hành vi rình rập và 63% là các hành vi giám sát.
"Việc vô hiệu hóa quyền truy cập trên AirTag sẽ thông báo cho kẻ theo dõi rằng bạn biết chúng đang làm gì. Kẻ theo dõi khi mất kiểm soát sẽ khó làm hại bạn", Innes giải thích. "Các nạn nhân nên liên hệ với cảnh sát. Do mỗi AirTag đều có một số serie duy nhất, nên có thể giúp cơ quan chức năng dễ tìm ra thủ phạm hơn".
Đối với Laura, cô cho biết mình đã được cảnh sát bảo vệ. Cảnh sát cũng điều tra và phát hiện chồng cô là người đã theo dõi, nhưng sau đó chỉ bị phạt với tội gây rối trật tự công cộng.
"Tôi giờ đây vẫn có cảm giác hoảng sợ, nhiều lúc chỉ muốn tắt điện thoại và không làm gì cả. Anh ta đã làm điều khiến tôi không thể tin nổi. Đó là hành vi không bình thường", Laura nói.
Bảo Lâm (theo Guardian)