Tại Australia, từ 0h ngày 22/10, thành phố Melbourne chính thức kết thúc các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt và khởi động quá trình tái mở cửa. Thành phố lớn thứ hai Australia trải qua 262 ngày hạn chế đi lại và các hoạt động kinh tế, xã hội với 6 đợt phong tỏa từ tháng 3/2020 khi theo đuổi chiến lược "không Covid-19".
Nhiều người dân đã đứng trên ban công hò reo, vỗ tay ăn mừng ngày "sổ lồng" của thành phố. Xe cộ bóp kèn inh ỏi vào lúc 23h59 ngày 21/10, thời khắc cuối cùng các biện pháp giãn cách xã hội còn hiệu lực.
"Tiếng còi xe và mọi người hò reo thật tuyệt vời. Tôi nghĩ điều đó cũng dễ hiểu", Thị trưởng Melbourne Sally Capp cho hay.
Nhiều cơ sở kinh doanh như hàng ăn hay tiệm cắt tóc mở cửa giữa khuya đón khách. Theo quy định mới của thành phố, nhà hàng và quán cà phê có thể đón tối đa 20 khách ngồi trong không gian kín, 50 khách ngồi ngoài trời. Mọi thực khách phải tiêm chủng đầy đủ nếu muốn được phục vụ. Người dân được hội họp tại nhà tối đa 10 người. Quy định khẩu trang vẫn được áp dụng như cũ.
Không riêng Melbourne, khắp Australia đang thúc đẩy tái mở cửa, chuyển sang chiến lược sống chung với Covid-19. Các biện pháp phong tỏa liên tục thời gian qua đã đẩy nước này đến bờ vực suy thoái kinh tế lần thứ hai trong hai năm liên tiếp.
Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại Australia với 1.069 ca được ghi nhận trong 24 giờ qua. Từ khi dịch Covid-19 xâm nhập và bùng phát lây nhiễm, nước này đã ghi nhận hơn 151.000 ca nhiễm và 1.590 ca tử vong.
Trên 70% người trưởng thành ở Australia đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Biện pháp giãn cách sẽ được nới lỏng thêm một khi đạt mốc tiêm chủng 80% và 90% ở người trưởng thành.
Trong khi đó, Anh sau hơn ba tháng mở cửa đang chứng kiến sóng lây nhiễm đáng lo ngại. Tổng số ca nhiễm mới hôm 21/10 là 52.009, trung bình 7 ngày qua là 327.537. Số ca tử vong có xu hướng tăng với 115 ca và 912 ca trong một tuần qua. Số ca nhập viện 7 ngày qua tăng khoảng 15,4%.
Theo giới quan sát, chiến lược sống chung với Covid-19 tại Anh đang trải qua giai đoạn thách thức nhất từ khi chấm dứt mọi biện pháp chống dịch vào tháng 7. Các yếu tố tác động gồm một bộ phận dân số tiêm vaccine đã lâu và chưa tiêm mũi nhắc lại, biến chủng Delta lây nhiễm cao và mùa đông cận kề.
Thủ tướng Boris Johnson ngày 21/10 tự tin số ca nhiễm ở mức cao nhưng vẫn nằm trong kịch bản dự đoán của chính phủ. Ông kiên quyết không chọn phương án tái phong tỏa chống dịch. Trước đó một ngày, Bộ trưởng Y tế Sajid Javid đã cảnh báo số ca nhiễm tại Anh có thể nhảy vọt lên 100.000 ca/ngày trong vài tuần tới.
Israel cũng kiên định sống chung với Covid-19. Thủ tướng Naftali Bennett và giới chức y tế vừa thông báo kế hoạch đón du khách trở lại nước này từ ngày 1/11. Mọi cá nhân nhập cảnh cần chứng nhận đã tiêm chủng. Nước này chỉ chấp nhận những ai được tiêm vaccine do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép.
Quốc gia Do Thái đang dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm tăng cường vaccine Covid-19. Khoảng 3,8 triệu người đã được tiêm mũi thứ ba bằng vaccine Pfizer/BioNTech. Quốc gia với 8,8 triệu dân đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đi lại quốc nội và cuộc sống người dân phần lớn trở lại bình thường,
Ở chiều ngược lại, Nga tiếp tục đưa ra các biện pháp phong tỏa quyết liệt nhằm kìm hãm đà tăng phi mã số ca nhiễm. Sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố cả nước một tuần "không đi làm" từ ngày 30/10 đến ngày 7/11, chính quyền thủ đô Moskva ngày 21/10 áp dụng thêm loạt quy định phòng dịch riêng nghiêm ngặt hơn.
Thị trưởng Serget Sobyanin yêu cầu tất cả cơ sở kinh doanh không thiết yếu đóng cửa từ ngày 28/10. Ông xác nhận dịch bệnh đã diễn biến "với kịch bản xấu nhất" và Moskva sẽ sớm ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục mỗi ngày.
Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày Nga ghi nhận 983 ca tử vong vì Covid-19. Con số này có vài ngày vượt mốc 1.000. Số ca nhiễm trong vòng hai tuần tăng khoảng 33%, lên hơn 32.400 trường hợp dương tính mỗi ngày.
Tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức báo động với 33% dân số đã tiêm vaccine Covid/19, thấp hơn mức trung bình 37% của toàn thế giới.
Trung Nhân (Theo Reuters/NY Times)