Mùa hè năm 1941, phát xít Đức đang tiến quân như vũ bão hướng về phía thủ đô Moscow của Liên Xô trong chiến dịch Barbarossa. Trùm phát xít Adolf Hitler rất hài lòng và chờ đợi tin chiến thắng khi tin tưởng tuyên bố "Kẻ thù thực tế đã thua cuộc".
Ở phía bên kia mặt trận, một Hitler khác không chấp nhận thực tế đó. Đó là Semyon Hitler, một người Ukraine gốc Do Thái phục vụ trong Hồng quân Liên Xô từ năm 1940. Giống như hàng triệu người dân Xô Viết, xạ thủ súng máy này làm tất cả những gì có thể để ngăn bước tiến của quân Đức, theo RBTH.
Theo tài liệu lịch sử, Semyon Hitler đã chiến đấu rất dũng cảm trong chiến tranh, đặc biệt trong trận phòng thủ gần Tiraspol (nay là Moldova/Transistria). Đơn vị của Semyon bị quân Đức bao vây và hy sinh gần hết, bản thân Semyon bị thương nhưng vẫn chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và tìm cách bò qua quãng đường 10 km về doanh trại với khẩu súng máy nặng trịch trên tay.
Sau trận này, Semyon xứng đáng được thưởng huân chương, song tiểu đoàn trưởng của anh ngập ngừng trong việc trao phần thưởng cho một binh sĩ mang họ Hitler. Tướng Georgy Sofronov, chỉ huy Quân đoàn Duyên hải Độc lập, khi đó đã can thiệp và ký quyết định trao huân chương dũng cảm cho Semyon.
Semyon sau đó tiếp tục phục vụ trong Hồng quân, nhưng anh không có may mắn được chứng kiến ngày chiến thắng. Tháng 6/1942, Semyon hy sinh khi đang bảo vệ thành phố cảng Sevastopol. Sau chiến tranh, gia đình Semyon đổi họ thành Hitlev và rời Liên Xô sang Israel.
Semyon là một trong nhiều người lính anh dũng của Liên Xô trong Thế chiến II hứng chịu những phiền toái khi mang họ trùng với quan chức, tướng lĩnh cấp cao trong chính quyền Đức Quốc xã, dù họ không có bất cứ quan hệ họ hàng nào.
Trong thời kỳ đó, các chỉ huy Hồng quân luôn e ngại khi ký quyết định ghi nhận công trạng cho những người lính này. "Thành tích của họ cần được ghi nhận, nhưng việc trao huân chương cho người có họ giống lãnh đạo phát xít Đức có thể là hành động nguy hiểm, đặc biệt trong thời chiến", tờ EG.ru viết.
Nhưng điều này không ngăn cản được những người lính này, chủ yếu là người gốc Đức hoặc Do Thái, lập chiến công trên chiến trường chống phát xít. Nikolay Göring, người cùng họ với Thống chế không quân phát xít Hermann Göring, đã được trao Huân chương Sao đỏ vì có thành tích bắt sống một trung đội trưởng của sư đoàn Panzer SS và kéo hắn ta về doanh trại dưới làn đạn súng máy địch.
Một Göring gốc Do Thái khác là Yakov, phục vụ trong lực lượng quân y tại Belarus, từng giành được Huân chương Ái quốc khi sơ tán được toàn bộ hơn 1.500 binh sĩ Liên Xô bị thương khỏi chiến trường.
Nikifor Hess, người có họ trùng với một tay sai thân tín của Hitler là Rudolph Hess, đã được trao Huân chương Sao Đỏ vì dẫn đầu trung đội và tiêu diệt 7 tên địch trong một cuộc tấn công quân Đức.
Huân chương Sao Đỏ cũng được trao cho Alexander Bormann, phi công lập chiến công phá hủy hơn 850 xe và tiêu diệt 3.600 quân Đức trong những cuộc không kích kéo dài nhiều tháng. Người lính Hồng quân này có họ trùng với Martin Bormann, thư ký của trùm phát xít Hitler.
Nguyễn Hoàng