Dù được xem là giải pháp giúp nhiều tiểu thương "sống sót" giữa đại dịch nhưng nhà bán hàng trên thương mại điện tử (TMĐT) cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức thời điểm này. Nhiều nhà bán hàng nỗ lực, cân đo đong đếm từng đơn hàng, nguồn cung, phí giao hàng để duy trì công việc cũng như đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Chấp nhận lấy công bù lãi khi nguồn hàng khan hiếm, tăng giá
Hà My (Hà Nội) bán văn phòng phẩm trên sàn TMĐT đã được một năm. Lượng sản phẩm tiêu thụ đều đều mỗi tháng giúp cô trang trải tốt cho cuộc sống. My thấy may mắn vì vẫn có một công việc để làm, vẫn tạo ra được thu nhập khi nhiều người ngoài kia thất nghiệp vì Covid-19. Nhưng dịch bệnh cũng khiến hoạt động kinh doanh của My trì trệ hơn bao giờ hết. Hàng hóa tồn đọng, không giao được, khách hàng thì liên tục nhắn tin hỏi hàng đâu, bao giờ mới nhận được...
Nếu trước đây My chỉ mất 1-2 phút để xử lý một đơn hàng thì bây giờ, phải ngồi phân loại xem đơn hàng này đến khu vực nào, có được giao hay không. Công việc vốn đã bận rộn, nay lại khó khăn hơn nhiều lần vì chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Nỗi khổ của người bán hàng mùa dịch có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu. Việc vận hành gian hàng online thời buổi dịch bệnh khó khăn gấp 5-10 lần thông thường, như một khối rubic lộn xộn. Nguồn hàng khan hiếm lại tăng giá chẳng khác nào bán hòa vốn.
Có con nhỏ, My thấu hiểu nỗi niềm của những phụ huynh luôn cố gắng dành cho con những gì trọn vẹn nhất, từ đồ ăn, quần áo đến từng dụng cụ học tập. "Tôi bán văn phòng phẩm, không nỡ tăng giá vì biết chúng thiết yếu với các con khi đi học như thế nào. Thời buổi dịch bệnh, ai cũng khó khăn, thiếu thốn, giúp nhau được gì thì giúp, trong khả năng của mình là được", My tâm sự
Làm kinh doanh, Nguyễn Hà My luôn nhắc nhở bản thân phải có cái tâm bán hàng. Như trong lúc nguồn hàng tăng giá, cô đều cố gắng duy trì mức giá vẫn bán trước đây, chấp nhận lãi ít đi, thậm chí bán hoà vốn để không chỉ giúp đỡ mà còn tạo dựng lòng tin với người mua, kịp thời cung ứng đầy đủ hàng hóa cho năm học mới. Đồng thời, My cũng tận dụng các hỗ trợ trợ giá của sàn TMĐT để mang đến khách hàng mức giá bán tốt kèm nhiều ưu đãi. "Tôi hy vọng mọi thứ rồi sẽ quay lại quỹ đạo", My tâm sự.
Mất ăn mất ngủ vì chuyện giao hàng
2h sáng, Lê Yến (TP HCM) vẫn lọ mọ ngồi đóng đơn hàng. Cả ngày nay, cô đứng ngồi không yên vì những cuộc điện thoại từ shipper, giữa bữa cơm cũng phải buông bát nghe điện thoại, vừa chợp mắt nghỉ trưa cũng bật dậy khi có tin nhắn từ khách hàng.
Biết tin shipper được phép hoạt động trở lại từ ngày 30/8, Lê Yến làm việc hết công suất để bù cho quãng thời gian ngồi yên một chỗ vì giãn cách. Cô chờ tin này đã lâu, "ngóng hơn ngóng bộ đội đi chợ dùm".
Trước đó, cô còn mất ăn mất ngủ vì lượng đơn hàng chưa giao còn nhiều, chưa kể lượng đơn mới phát sinh sau khi lệnh giãn cách được nới lỏng. "Hàng cũ chưa kịp giao hết, hàng mới đã đầy kho. Tôi sốt ruột một thì khách hàng sốt ruột mười", Yến trải lòng. Dù vậy, chị Yến vẫn đang cố gắng để đơn hàng được giao đến người dùng nhanh và đảm bảo về cả chất lượng và dịch vụ.
Anh Sang Lê, một nhà bán hàng cá nhân mới gia nhập thị trường TMĐT cũng tiếc nuối khi nhận tin các shipper không được giao hàng theo quy định giãn cách của thành phố. Ngày cuối cùng trước khi áp dụng quy định này, cả nhà anh cùng nhau chuẩn bị đơn hàng và đóng gói cẩn thận chờ shipper đến lấy sớm để kịp giao. Tuy nhiên, mọi thứ không như mong đợi, Sang lại xếp hàng gọn vào chờ ngày shipper được hoạt động trở lại.
"Những người giao hàng có nguy cơ lây nhiễm hơn thông thường vì họ phải thường xuyên di chuyển, tiếp xúc. Thời gian qua, đội ngũ giao hàng đã không quản khó khăn, tận tình hỗ trợ những người bán hàng như chúng tôi. Việc tạm dừng hoạt động là điều không ai mong muốn nhưng tôi hoàn toàn thông cảm và thấu hiểu", Sang nói.
Tuy nhiên, không phải ai cũng thông cảm và hiểu cho những khó khăn của nhà bán hàng cũng như đội ngũ giao hàng mùa dịch. Trong những ngày giãn cách, giao vận bị ảnh hưởng, Sang Lê vẫn cần mẫn nhắn tin cho từng khách hàng của mình gửi lời xin lỗi vì tắc nghẽn khâu giao hàng. Bên cạnh những lời đáp thông cảm, vẫn có một số người buông lời trách móc, thậm chí đòi đền bù thiệt hại. Những lúc này, nếu không phải là người bản lĩnh, tận tâm với nghề, sẽ nhiều nhà bán hàng buông xuôi.
"Kinh doanh chưa bao giờ đơn giản. Sàn TMĐT đã tạo rất nhiều điều kiện, hỗ trợ những nhà bán hàng cá nhân có cơ hội phát triển, sống với đam mê. Chỉ mong, trong thời buổi dịch bệnh, khách hàng cũng có thể thông cảm và tôn trọng người bán hàng. Hàng có thể chậm một chút nhưng chúng tôi luôn tâm niệm phải đảm bảo chất lượng khi tới tay người mua", Sang bày tỏ.
Đồng hành hỗ trợ kịp thời giúp nhà bán vượt qua khó khăn
Với đội ngũ logistics hoạt động chủ động và xuyên suốt từ tháng 5 đến nay, Lazada là nền tảng TMĐT giúp hàng trăm nghìn thương hiệu và nhà bán hàng ổn định trong giai đoạn dịch Covid-19. Hệ thống vận hành tốt của sàn TMĐT này là cầu nối để người tiêu dùng và nhà bán hàng liên kết với nhau.
Để làm được điều này, đại diện Lazada cho biết sàn đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ "nút thắt" vận chuyển. Cụ thể, thay vì tập trung dồn hàng hóa vào một trung tâm phân loại duy nhất tại quận Gò Vấp, sàn đã nhanh chóng thành lập thêm 5 trung tâm phân loại vệ tinh tại các quận Tân Phú, 4, 9, thành phố Thủ Đức và huyện Hóc Môn để chia nhỏ lưu lượng hàng hóa, giúp hoạt động vận hành diễn ra nhanh chóng, thuận tiện hơn.
Lazada cũng tận dụng tối đa lợi thế chủ động nguồn lực của mình khi sở hữu bộ phận giao nhận riêng - Lazada Logistics. Hiện, Lazada có thể tự vận chuyển phần lớn lượng đơn hàng của nền tảng này trên thị trường. Điều này giúp khách hàng nhanh chóng nhận được đơn hàng mong muốn, vừa giúp các thương hiệu, nhà bán hàng và các đối tác trên sàn tăng tỷ lệ chuyển đổi, tối ưu hóa doanh thu từ sàn.
Không chỉ cải tiến về logistics giúp hàng hóa được lưu thông thuận lợi hơn, Lazada cũng đã đưa ra nhiều hoạt động hỗ trợ nhà bán hàng xuyên suốt trong làn sóng dịch lần 4, giúp các nhà bán vượt qua khó khăn của đại dịch. Tái kích hoạt gói Kích cầu kinh tế lần 3 giúp hơn 100.000 nhà bán hàng mới chuyển đổi số thành công, rút ngắn thời gian khởi tạo gian hàng trực tuyến, đội ngũ hỗ trợ nhà bán hàng tận tâm cùng nhiều chương trình trợ giá của Lazada đã giúp hàng trăm nghìn nhà bán hàng và doanh nghiệp tự tin kinh doanh hiệu quả trên sàn.
Có thể thấy, dù vẫn duy trì được việc kinh doanh trực tuyến trong thời gian giãn cách nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ không khỏi gặp phải những khó khăn và thử thách nhất định. Trong bối cảnh này, vai trò của sàn TMĐT trong việc hỗ trợ nhà bán hàng vận hành thông suốt càng được nhấn mạnh và cấp thiết hơn bao giờ hết. Đó cũng chính là điều tiên quyết giúp đưa ngày "bình thường mới" đến gần hơn.
An Nhiên