Mẹ yêu quý của con!
Có một nơi thân thương mà đi đâu con cũng nhớ về đó là mẹ và quê. Suốt bốn năm đại học con nhớ như in những ngày đầu ngồi thẫn thờ trên chiếc ghế đá vì nhớ nhà. Chắc bố mẹ và em gái cũng nhớ con nhiều lắm. Con tốt nghiệp đại học trong sự vui mừng xen lẫn lo lắng của gia đình. Ngày ấy, con nộp đơn đi Singapore làm việc. Bố mẹ có ý ngần ngại sợ con không thể sống độc lập một mình vì trong mắt bố mẹ, bất kể lúc nào con cũng giống như một đứa trẻ con lên ba, bố mẹ sợ con vấp ngã, tổn thương và sợ con khóc.
Ngày con đi, bố bận không đi tiễn con được. Bố điện thoại bảo con phải giữ gìn sức khỏe, đến nơi phải điện cho bố và đặc biệt không được nhớ nhà. Con tắt máy lên máy bay bỏ lại sau lưng một miền nhớ, biết đâu bố mẹ và em làm ở trên cánh đồng cũng đang hướng đôi mắt kiếm tìm chiếc may bay ấy - chiếc máy bay mang con đến một nơi xa lạ, nơi ấy không có bố mẹ, nơi ấy không có vòng tay trìu mến của bà mẹ "quê hương". Hạ cánh xuống sân bay, con nhận ra mình là một người xa lạ, cô đơn giữa dòng người đủ màu da tấp nập. Con bắt đầu làm quen với nền văn hóa mới. Ngày trước khi con chập chững học đi luôn có ba mẹ dìu dắt, khi con vô tình chạy ngã mẹ nhẹ nhàng nâng con lên, phủi bụi trên áo con và nói với con những điều ngọt ngào.
Con đã trưởng thành nhưng mỗi lần con vấp ngã vẫn là mẹ nâng con dậy, vẫn là ba lau cho con những giọt nước mắt. Trong dòng người ngược xuôi đa sắc màu văn hóa của đất nước bạn, con chợt nhớ về mẹ và hình ảnh ấy khiến con thêm mạnh mẽ hơn. Con hòa vào dòng người và tự nhủ "Ba mẹ ơi con sẽ cố gắng".
Ba mẹ biết không, con cứ tưởng công việc và những cuộc vui sẽ khiến con ít nhớ nhà nhưng con đã lầm. Nơi đây một mình con là người Việt, con thấy mình thật nhỏ bé dưới cái nắng ở Singapore gay gắt và hay hờn dỗi. Nhiều lúc con chỉ ước mình gặp được một người Việt dù Nam hay Bắc để được nghe giọng quê hương trìu mến, để con cảm nhận được hơi thở của đất nước mình. Có những ngày mưa, con nhìn ra ngoài của kính và hướng về nơi xa xăm nào đó, ký ức hiện về, con nhớ mẹ quá mẹ à, con nhớ nhà mình bây giờ đang vào vụ ngô thì phải. Ngày trước mỗi lần thu hoạch ngô, mẹ đều chọn ra cái đẹp để bán lấy tiền và cái thưa hạt luộc cho tụi con ăn.
Con nhớ lại hình ảnh ba với chiếc áo bông sẫm màu, tay xách bao ngô luộc đứng đợi con ở cổng trường đại học vào ngày đông giá lạnh, ba bảo "Nhà mình vừa bẻ ngô nên luộc sẵn mang cho con một ít làm quà cho bạn bè". Con nhớ những lần đi học xa nhà, mẹ gọi điện hỏi con ngày về ra đồng bắt sẵn một giỏ cua để nấu canh cho con tẩm bổ nhưng đến phút chót con gọi điện báo không về. Những lần như thế, em gái lại trách cứ con "Sao chị không về?. Hôm qua mẹ tưởng chị về nên đi bắt cua phồng hết tay rồi". Chưa bao giờ con thấy mình nhớ nhà da diết đến thế, con chạy vào nhà vệ sinh để lau đi những dòng nước mắt.
Những ngày đầu tiên, rất khó để con quên đi được cái mùi vị của quê hương mình. Con nhờ mẹ làm cho con lọ ruốc để mang đi nhưng vì công việc đồng nhiều nên mẹ quên mất. Mẹ bảo "Ở đâu chẳng thế". "Vâng ở đâu cũng thế nhưng ở đó không có bột canh mẹ à", tôi mỉm cười đáp lại mẹ. Mẹ cười và mắng tôi nhiều chuyện.
Ngày qua ngày vẫn trôi đi theo vòng tuần hoàn của đất trời. Công việc lấy đi của tôi thời gian, sự quan tâm của bạn bè nơi tôi làm cũng khiến tôi vơi bớt đi nỗi nhớ. Ngày nghỉ, chúng tôi cùng nhau đi chơi và kể cho nhau nghe về đất nước mình. Một bạn Ấn độ kể cho tôi nghe về phong tục của họ, một bạn người Philippines kể cho tôi nghe về gia đình của họ. Còn tôi, tôi kể về người mẹ tuyệt vời của tôi và đất nước xinh đẹp của mình. Mỗi người một cảm xúc nhưng tựu chung lại đó là niềm tự hào về quê hương mình và cả nỗi nhớ dạt dào không thể nói thành lời.
Tôi chợt nhớ tới cậu thơ của Chế Lan Viên "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn". Phải chăng khi xa nó ta mới hiểu được cảm xúc yêu tổ quốc, ta mới cảm nhận được nỗi nhớ bà mẹ quê hương say đắm, tha thiết. Khi xa nó cõi lòng ta mới tĩnh tâm để hồi tưởng và nhìn lại về nơi xa xôi mà gần gũi ấy và khi xa nó ta mới hiểu được giá trị hai chữ "Quê hương".
Chu Thị Mai