Büsingen am Hochrhein là thị trấn được nhiều người đánh giá kỳ lạ của Đức. Dù thuộc biên chế Đức, thị trấn này lại mang nhiều nét đặc trưng của quốc gia láng giềng - Thụy Sĩ. Một trong những lý do giải thích cho điều này là thị trấn tách hẳn khỏi nước Đức, và nằm lọt thỏm trong lòng Thụy Sĩ.
Người dân ở Büsingen am Hochrhein cũng hướng trái tim về Thụy Sĩ, thay vì quê nhà. Đây là nơi duy nhất trên thế giới mà người Đức lại thích nói tiếng Thụy Sĩ, thích sử dụng đồng franc của nước này thay vì đồng euro. Trên thực tế, cho đến năm 1980, Büsingen am Hochrhein thậm chí còn không chấp nhận tiền Đức, dù họ là người Đức. Ngay cả bưu điện trong thị trấn cũng chỉ chấp nhận đồng franc để mua tem của Đức.
Trẻ em trong thị trấn đến một trường học của Đức, nhưng nhiều học sinh trung học lại học tại các ngôi trường ở biên giới nước khác. Hầu hết người dân trong thị trấn làm việc cho Thụy Sĩ tại những nơi gần đó. Họ được trả lương bằng đồng franc. Điều này giải thích lý do người dân thích dùng đồng tiền Thụy Sĩ hơn các tiền tệ khác. Ngay cả điện, họ cũng lấy từ Thụy Sĩ nhưng lại phải trả thuế thu nhập theo quy định của Đức. Vì trên thực tế, họ vẫn là dân Đức.
Tại thị trấn, người dân có thể chọn hai mã bưu điện của hai nước, và các nhà cung cấp điện thoại của hai quốc gia đã phải cạnh tranh quyết liệt ở nơi này. Các công ty bảo hiểm cũng rơi vào tình trạng tương tự. Du khách đến đây tham quan có thể tìm thấy cả ổ cắm điện của Đức và Thụy Sĩ trong nhà dân và khách sạn. Họ thậm chí còn có hai lực lượng cảnh sát. Một kẻ phạm tội ở thị trấn có thể bị xét xử tại tòa án của một trong hai quốc gia. Việc xét xử tại nước nào sẽ phụ thuộc vào việc cảnh sát nước đó có tham gia vào vụ bắt giữ hay không.
Câu hỏi được nhiều du khách đặt ra là: tại sao thị trấn lại nằm ở vị trí kỳ lạ này? Câu chuyện được bắt đầu vào năm 1693. Khi đó, thị trấn thuộc quyền kiểm soát của lãnh chúa người Áo Eberhard Im Thurn. Thurn theo đạo Tin Lành, nhưng sau một cuộc cãi nhau với mục sư trong thị trấn, ông bị buộc tội là tín đồ của đạo Công giáo. Ngay sau đó, Thurn bị chính anh em trong họ của mình bắt cóc và giao cho chính quyền Thụy Sĩ ở bang Schaffhausen. Người đàn ông vô tội đã phải ngồi tù 6 năm. Mãn hạn tù, ông quyết định chuyển sang đạo Công giáo. Vụ bắt giữ Thurn được cho là nguyên nhân chính dẫn đến chiến tranh giữa Áo và Thụy Sĩ. Vài thập kỷ sau đó, nơi này sáp nhập vào Đức và Büsingen am Hochrhein chính thức thuộc "biên chế" của nước Đức cho đến ngày nay.
Từ rất lâu về trước, người dân trong thị trấn không thích nước Đức. Vào năm 1918, họ tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến người dân về việc muốn trở thành một phần của Thụy Sĩ. 96% người dân đã bỏ phiếu đồng ý. Tuy nhiên, Thụy Sĩ không thể cung cấp cho Đức bất kỳ lãnh thổ tương tự nào để đổi lấy Büsingen am Hochrhein. Do vậy, Đức từ chối giao thị trấn cho Thụy Sĩ. Và người dân nơi đây vẫn phải mang hộ chiếu của Đức.
Vào năm 1967, Büsingen am Hochrhein chính thức gia nhập liên minh hải quan với Thụy Sĩ. Điều này khiến nơi đây trở thành lãnh thổ duy nhất của Đức không thuộc liên minh châu Âu. Do đó, các quy định kinh tế của EU không được áp dụng ở nơi này. Điều đó giúp thị trấn trở thành "thiên đường" thuế. Khi người dân mua hàng hóa tại EU và xuất khẩu sang Büsingen am Hochrhein, họ có thể yêu cầu trả lại VAT đã trả khi mua hàng trước đó. Các giao dịch ở thị trấn cũng được áp thuế thấp hơn tại các phần còn lại của Đức, do đóng theo thuế của nước láng giềng. Ngoài ra, người dân ở đây cũng không phải trả thuế bất động sản.
Dù vậy, người dân vẫn phải đóng thuế thu nhập cao hơn các thị trấn xung quanh, do quy định thuế ở mỗi quốc gia khác nhau. Đó là lý do nhiều người trẻ tuổi đã rời khỏi nơi này và đến các thành phố lân cận khác làm việc, để chịu mức thuế thấp hơn. Nhưng Büsingen am Hochrhein lại là thiên đường dành cho những người về hưu. Vì theo luật pháp của Đức, những người nghỉ hưu không phải trả thuế hoặc trả rất ít. Do đó, đây cũng là nơi lý tưởng để người dân Thụy Sĩ đến sống khi về già.
Nhiều người cho rằng cuộc sống của họ sẽ dễ chịu hơn nếu thị trấn là một phần của Thụy Sĩ. Nhưng điều đó đến nay vẫn khó có thể xảy ra, và do vậy mọi người chỉ "giả vở" là người Thụy Sĩ. Họ treo quốc kỳ của nước này, và thậm chí là tổ chức luôn sự kiện mừng quốc khánh của nước bạn.
Có nhiều điểm du lịch quanh thị trấn nhỏ bé này. Một trong số đó là thác nước sông Rhine. Đây là thác nước lớn nhất châu Âu, rộng 150 m, cao 23 m và nằm trên biên giới của hai bang Schaffhausen và Zurich. Bạn cũng có thể ghé thăm cầu gỗ bắc qua sông Rhine - Holzbrücke hoặc Schlössli Wörth, lâu đài cổ từ thế kỷ 12 nằm trên đảo Rhine gần đó.
Có nhiều cách để đến thăm thị trấn từ bang Schaffhausen. Du khách có thể bắt xe bus số 25 tới đó, mất khoảng 9 phút hoặc lái ô tô, taxi đến trong vòng 6 phút. Nếu muốn du lịch bằng đường thủy, bạn có thể đi phà tới đây, thời gian mất khoảng 25 phút.
Con đường thuộc Bỉ nằm trong lòng nước Đức
Anh Minh (Theo Amusing Planet)