Đây là nội dung chính trong Quyết định 2554/QĐ-NHNN, do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký ban hành ngày 31/12/2006 và bắt đầu có hiệu lực từ hôm qua.
Với biên độ áp dụng cao hơn hoặc thấp hơn tối đa 0,5% so với tỷ giá liên ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước công bố hằng ngày, các ngân hàng thương mại được phép linh hoạt hơn trong việc ấn định tỷ giá mua, bán cũng như chuyển khoản. Hiện mỗi ngày Ngân hàng Nhà nước đều công bố tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Trên cơ sở đó, các ngân hàng thương mại xây dựng tỷ giá giao dịch áp dụng trong hệ thống của mình (thường thì tỷ giá giao dịch của ngân hàng thương mại luôn cao hơn so với tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước công bố).
Quyết định nới lỏng tỷ giá được công bố vào lúc sức ép VND tăng giá so với USD ngày một lớn. Gần một tháng nay, tỷ giá hối đoái do các ngân hàng thương mại công bố luôn trong xu thế giảm và thấp hơn so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước sáng nay, mỗi USD tương đương 16.096 đồng. Tuy nhiên, tỷ giá mua vào - bán ra tại Ngân hàng Ngoại thương chỉ là 16.030 -16.055 đồng/USD; còn tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là 16.042-16.060 đồng/USD.
Giá mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do cũng thấp hơn nhiều so với giá mà Ngân hàng Nhà nước công bố. Tại TP HCM hôm qua, mỗi USD ăn 16.050 đồng, nhưng hôm nay chỉ được 16.040 đồng. Tại Hà Nội, giá thu đổi ở khu vực Hà Trung phổ biến là 16.040-16.070 đồng/USD (mua vào - bán ra). Phần đông khách đến tiệm những ngày này đều bán, ít người hỏi mua ngoại tệ.
Nguồn cung ngoại tệ ngày một tăng
Phòng Kinh doanh Tiền tệ Eximbank xác nhận, nguồn cung ngoại tệ đang vượt cầu, đặc biệt từ đầu tháng 12 trở lại đây. Mỗi ngày dòng kiều hối chảy về nhà băng này xấp xỉ 1 triệu USD, nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu vào khoảng 1 đến 2 triệu USD, nhu cầu đổi của người dân cũng lên đến vài trăm nghìn đôla.
Anh Vũ Đức Hải, Phòng Kinh doanh Tiền tệ Eximbank cho hay, cuối năm luôn là thời gian nguồn ngoại tệ đổ về theo nhiều đường khác nhau như xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, kiều hối. Thêm vào đó, thời gian gần đây thị trường chứng khoán liên tục tăng trưởng, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đua nhau mở tài khoản ngoại tệ ở Việt Nam để rót tiền vào chứng khoán.
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tính đến cuối 2006 đạt khoảng 13 tuần nhập khẩu, cao hơn nhiều so với dự đoán hồi đầu năm là 9 tuần. Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 10,2 tỷ USD, kiều hối dự báo vượt 4 tỷ USD. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp qua nhiều kênh khác nhau cũng lên đến trên dưới 2 tỷ USD. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 40 tỷ USD.
Ngoại hối dồi dào nhưng theo quy định của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam, nguồn dự trữ ngoại hối tối đa của các ngân hàng thương mại cổ phần không được vượt quá 30% vốn điều lệ của mỗi ngân hàng. Số ngoại tệ vượt mức khống chế phải bán lại cho Ngân hàng Nhà nước. Song theo Eximbank và một số ngân hàng cổ phần khác, vài tuần gần đây, hoạt động mua vào của Ngân hàng Trung ương rất cầm chừng, thậm chí có lúc ngưng hẳn. Cung vượt cầu là lý do khiến các ngân hàng hạ thấp tỷ giá giao dịch.
Một chuyên gia tiền tệ nhận định, sức ép VND đồng tăng giá đang là thách thức về mặt vĩ mô với kinh tế Việt Nam. Nếu như trước đây Việt Nam luôn lo VND mất giá thì nay mối lo lại trái ngược. Về lý thuyết, VND tăng giá sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu, đe doạ tới tăng trưởng kinh tế (xuất khẩu đang chiếm tới 60% GDP). Trong những tình huống như vậy, để bình ổn tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước thường xuất tiền đồng để mua ngoại tệ, song nếu cung tiền đồng tăng cao có thể dẫn đến lạm phát. Bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng bị khống chế về lượng tiền đồng chi ra. "Nguy cơ VND tăng giá là một thách thức hoàn toàn mới về mặt vĩ mô, đòi hỏi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải có phương án chuẩn bị dài hơi. Bởi về lâu dài, nguồn cung ngoại tệ sẽ tiếp tục dồi dào", vị chuyên gia này nói.
Trao đổi với VnExpress, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) Trương Văn Phước phủ nhận chuyện khan hiếm tiền đồng. Ông cũng khẳng định trong thời gian tới sẽ không bao giờ có chuyện đồng nội tệ lên giá so với đôla Mỹ. Tuy nhiên, ông thừa nhận cung ngoại tệ hiện tại quá lớn, mà không phải bao giờ các ngân hàng thương mại cũng được phép sử dụng vô tư lượng tiền đồng mà họ đang dự trữ để mua USD.
K.D.