"Thay đổi thông điệp chống dịch từ 5K thành 2K thời điểm này là phù hợp, với biện pháp phòng ngừa chính là vaccine, nếu có phòng ngừa khác thì càng tốt trong đó khẩu trang và khử khuẩn phù hợp nhất", PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP HCM nói với VnExpress ngày 12/9, đề cập hướng dẫn mới của Bộ Y tế về việc nới lỏng quy định đeo khẩu trang.
Theo ông Dũng, trong giai đoạn dịch căng thẳng trước đây, không đủ vaccine, ngành y tế thực hiện các biện pháp bắt buộc để ngăn chặn lây nhiễm, giảm quá tải y tế. "Nay, người dân đã tiêm chủng đủ thì nên để họ tự quyết định cách bảo vệ sức khỏe của mình", ông Dũng nói và cho rằng nhiều người thấy vướng víu, khó thở, ở nơi vắng người không đeo khẩu trang là điều bình thường, không nên gò bó và cứng nhắc.
Bộ Y tế hôm 8/9 sửa đổi thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế) thành 2K gồm khẩu trang, khử khuẩn, phù hợp với phòng chống dịch trong tình hình mới. Một ngày trước đó, hướng dẫn mới nới lỏng quy định đeo khẩu trang cũng được Bộ Y tế ban hành. Theo đó, người đến nơi công cộng không bắt buộc đeo khẩu trang trừ người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi mắc Covid-19, hành khách đi các phương tiện giao thông công cộng. Những người làm việc trong các cơ quan, nơi mua sắm, giao dịch, nhà ga, bến tàu... phải tiếp xúc với khách hàng cũng bắt buộc đeo khẩu trang.
Giải thích nguyên nhân thay đổi thông điệp, ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Truyền thông, Bộ Y tế, cho biết ở giai đoạn đầu đại dịch - chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine nên biện pháp bảo vệ tốt nhất là sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân. Thông điệp 5K được Bộ Y tế áp dụng từ tháng 8/2020, khi cả nước ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm, được xem là lá chắn thép trong phòng, chống dịch.
Gần đây, số ca mắc trên thế giới, ca nặng và tử vong giảm, tỷ lệ bao phủ vaccine tăng. Việt Nam hiện kiểm soát được dịch bệnh, chuyển sang trạng thái thích ứng, tập trung phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, các biện pháp như khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế không còn phù hợp. Tuy nhiên, đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường và Covid-19 vẫn nằm trong danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A. "Vì vậy, các khuyến cáo phòng chống dịch như đeo khẩu trang, tiêm chủng chưa được gỡ bỏ, chỉ giảm nhẹ, không hạn chế sự kiện đông người, bỏ khai báo y tế nội địa và nhập cảnh", ông Anh nói.
Trên thực tế, nhiều người đã bỏ khẩu trang trong một số sinh hoạt hàng ngày. Như tại một sự kiện về dinh dưỡng vừa diễn ra ở Trung Hòa - Nhân Chính, hơn 300 người tham gia nhưng chỉ vài người đeo khẩu trang. Mọi người ngồi cạnh nhau, nói chuyện, ăn uống, không cần "vật phòng thân" như trước.
"Tôi tự tin vào sức đề kháng của bản thân, từng mắc Covid và tiêm ba liều vaccine nên không đeo khẩu trang", anh Kiên ở Tuyên Quang, một người tham gia hội thảo cho hay. Tương tự, anh Sơn, làm việc tại công ty du lịch ở Hà Nội, cho biết "nhiễm Covid cũng không quá hoang mang như trước, chỉ cần cách ly vài ngày là khỏi". Tổ chức các tour, anh khuyến khích khách đeo khẩu trang, nhưng khi tham gia các hoạt động vui chơi thì tùy thuộc từng cá nhân, không bắt buộc.
Còn chị Trang, 42 tuổi, hàng ngày đưa bố vào Bệnh viện Việt Đức kiểm tra và truyền hóa chất điều trị ung thư. Bệnh viện vẫn siết chặt quy định đeo khẩu trang, đặt bình sát khuẩn ở vị trí nhiều người qua lại như cầu thang, cửa ra vào, thang máy... Khu vực cấp cứu của bệnh viện luôn đông đúc, kín người. Dãy hành lang la liệt người nhà ngồi, nằm đợi nhưng không còn giữ khoảng cách như trước, nhiều người không đeo khẩu trang. "Tuy nhiên, tôi vẫn tuân thủ đeo khẩu trang và sát khuẩn để phòng ngừa Covid và nhiều bệnh khác, nhất là thời điểm cúm A, sốt xuất huyết bùng phát", chị nói.
Giữ quan điểm "xem phòng ngừa Covid tương tự phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng", PGS Dũng đồng tình nới lỏng biện pháp đeo khẩu trang nhưng khuyến cáo cộng đồng không chủ quan và duy trì ý thức chống dịch trong hơn hai năm qua.
"Mục tiêu là hạn chế lây nhiễm, vì nếu bản thân mắc bệnh thì người xung quanh cũng bị ảnh hưởng", ông Dũng nói. Ví dụ, trẻ con, người già, người chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ mũi, nếu nhiễm sẽ dễ trở nặng, ảnh hưởng đến bản thân, gia đình. Ngoài ra, khi F0 tăng, số ca nặng tăng theo, dẫn đến quá tải và áp lực lên hệ thống y tế, có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Khi mắc Covid, người bệnh nên tự cách ly để không lây lan cho người thân.
"Đây là sự khôn ngoan, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, bởi cho dù mắc bệnh nhẹ nhưng sẽ mệt mỏi, tốn kém tiền bạc và thời gian điều trị", ông Dũng nói.
Thùy An