Chị Hồng, 48 tuổi, quê huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, quyết định đi Đài Loan hơn 10 năm trước vì "ở nhà khổ quá". Kết hôn năm 1996, chị lần lượt sinh hai trai, hai gái, cuộc sống ban đầu gắn bó với nghề biển, song chồng sức khỏe yếu, bữa đi bữa nghỉ. Chị buôn tôm bán cá, nhặt ve chai, phụ hồ mà vẫn thiếu trước hụt sau. Một lần, con trai học lớp 4 xin tiền nộp học phí, chị xoay xở không được. Đêm về trằn trọc, chị nói với chồng: "Hay là em đi xuất khẩu lao động?".
Để chi phí cho chuyến đi Đài Loan vào năm 2008, chị Hồng vay ngân hàng và người thân hơn 30 triệu đồng. Theo hợp đồng, chị đến trại dưỡng lão ở TP Cao Hùng, miền Nam Đài Loan, để chăm sóc người cao tuổi. Mỗi ngày chị làm việc 8 tiếng, tăng ca là 12 tiếng, hỗ trợ 40 người già. Mức lương thời đó ở Đài Loan hơn 7 triệu đồng, trừ các chi phí sinh hoạt, ăn ở, chị tiết kiệm được một nửa.
Những tháng đầu không biết tiếng, đi làm về chị giam mình trong căn phòng ký túc xá 15 m2 ở trại dưỡng lão. Phòng chỉ có hai chiếc nồi, một chiếc phích, vài chiếc bát và đôi đũa để thỉnh thoảng tiện nấu đồ ăn liền. Vật dụng đáng giá nhất là chiếc quạt điện nhỏ dùng khi nóng bức.
Mạng xã hội thời đó chưa phát triển, để liên lạc về nhà chị phải mua thẻ điện thoại rồi ra bốt công cộng gọi, mỗi tháng chỉ dám gọi về một lần. "Nhiều lần nghe con nói nhớ mẹ, tôi cắn chặt môi để không bật ra tiếng khóc. Thấy những đứa trẻ đến thăm ông bà tại trại dưỡng lão, nghĩ đến con nhỏ đang ở quê, tôi lại nuốt nước mắt vào trong", chị Hồng kể.
Chị Hồng đăng ký làm tăng ca, không nấu cơm mà ăn chung phần cơm với các cụ già tại trại dưỡng lão. Tuy nhiên, khẩu vị không hợp nên rất khó nuốt, nhiều hôm chị bị đau bụng, phải tạm nghỉ việc. Tiền làm được chị tiết kiệm gửi về cho chồng trả nợ, gần một năm sau thì thanh toán hết chi phí xuất ngoại.
Theo chị Hồng, khó khăn lớn nhất với lao động xuất khẩu là bất đồng ngôn ngữ, thời gian học tiếng ban đầu chỉ "làm đẹp hồ sơ", không thể giao tiếp nên hay bị chèn ép. Một lần làm mệt quá, chị ngồi ngoài cổng trại dưỡng lão rồi thiếp đi, người dân gần đó đưa nước cho uống, không may quản lý trông thấy. Họ nói chị phạm quy, tìm cách trốn ra ngoài nên quay video, báo với môi giới đòi đuổi.
"Không rõ tiếng Đài Loan nên tôi chẳng biết thanh minh gì, nghĩ chuyến này trắng tay rồi. Khi lên trình diện, tôi may mắn gặp một phiên dịch người Việt Nam và kể hết sự việc. Phiên dịch sau đó đã thuật lại với phía nhà chức trách sở tại, họ hiểu ra vấn đề và khiển trách quản lý, tôi được giữ lại", chị Hồng kể.
Chịu nhiều ấm ức, chị Hồng tự nhủ phải "ngậm bồ hòn làm ngọt", bởi mục đích cuối cùng là kiếm tiền. Gần hết hợp đồng 3 năm, chị mới làm quen được với cuộc sống tại Đài Loan, hiểu cơ bản ngôn ngữ tại đây.
Về nước vào năm 2011, ở nhà vài tháng, chị lại đi xuất khẩu "bởi khoản tiền tích góp trước đó chỉ đủ trả nợ và sửa nhà, nếu không đi tiếp con cái học lên cao không biết lấy đâu ra tiền". Hiện chị Hồng hưởng lương 22 triệu đồng mỗi tháng, với thâm niên 14 năm xuất khẩu lao động tại Đài Loan.
Với Tâm, 31 tuổi, trú thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, đi xuất khẩu lao động là con đường cuối cùng để thoát nghèo. Sinh ra trong gia đình bốn chị em, bố mất sớm, hết lớp 12 Tâm đi làm công nhân ở một số khu công nghiệp miền Bắc. Thu nhập mỗi tháng 6-7 triệu đồng chỉ đủ chi tiêu, Tâm quyết định vay 200 triệu đồng sang Nhật làm việc theo diện thực tập sinh vào cuối năm 2019.
Ngày đầu đặt chân đến Nhật Bản vào cuối năm 2019 theo diện thực tập sinh, mong muốn duy nhất của Tâm là sớm đi làm, nhưng chưa thể. Tháng đầu tiên người lao động phải học tiếng, sau đó mới được sắp xếp việc theo đơn hàng. Đi làm muộn ngày nào là cô lo lắng ngày đó, bởi ở nhà các khoản nợ đang chờ, mẹ làm ruộng không thể lo.
Làm trong xưởng sản xuất dây phanh ôtô ở tỉnh Aichi cùng với nhiều lao động đến từ hàng chục quốc gia, Tâm nói ngày đầu khá sốc, luôn trong trạng thái căng thẳng vì chưa quen việc và thạo tiếng Nhật. Nhiều khi bị quản lý trách mắng do làm việc tùy tiện hoặc tiếp thu không tốt, cô chỉ biết im lặng, sau đó quay sang hỏi đồng nghiệp.
Ở Nhật, công nhân làm một tuần 5 ngày, mỗi ngày 8 tiếng, tăng ca không quá 40 tiếng một tháng, thứ bảy và chủ nhật nghỉ. Những thực tập sinh như Tâm không thích nghỉ, muốn làm luôn cả hai ngày cuối tuần để kiếm thêm tiền, nhưng chẳng được. Nếu làm thêm bên ngoài, lúc nhà chức trách phát hiện, lao động sẽ bị đánh dấu visa, sau này gặp khó khăn khi gia hạn.
"Một tháng tổng thu nhập của em khoảng 30 triệu đồng, tuy nhiên tại Nhật người lao động phải chịu nhiều thứ thuế, rồi bị trừ tiền điện nước, tiền phòng... nên thực nhận khoảng 20 triệu. Trừ tiền ăn uống, phí sinh hoạt cá nhân, hàng tháng em chỉ tích góp được 10-12 triệu đồng", Tâm nói.
Khoản tiền dư hàng tháng, Tâm luôn chuyển về đúng hạn để mẹ trả tiền lãi và gốc chi phí khi đi, hỗ trợ thêm chị hoặc các em chi tiêu, vì cuộc sống họ cũng khó khăn. Nếu trong tháng có sự cố đột xuất, cô vay mượn bạn rồi tháng sau chắt bóp, chứ không dám phạm vào 10-12 triệu đồng đã trích ra sẵn để gửi về nhà. Hôm nào không đủ tiền mua thức ăn, Tâm ăn tạm mì gói hoặc bánh mì. Sau hai năm Tâm đã trả hết 200 triệu đồng tiền vay đi xuất ngoại.
Trên danh nghĩa đi học kiến thức, nâng cao tay nghề, song theo Tâm thực tập sinh thực chất là "lao động giá rẻ", diện bậc một, chịu quản lý của nghiệp đoàn GTS. Ở Nhật có nhiều loại visa, diện của cô là thấp nhất, chủ yếu làm chân tay, tự học hơn là được học, về quê khó phát triển. Vì vậy, ai cũng cố gắng làm hết hợp đồng 3 năm, sau này khi hết quản lý của nghiệp đoàn thì lên lao động bậc hai, gọi là tokute gino, được gia hạn visa thêm 5 năm. Lúc này người lao động được chuyển ra ngoài, tìm công ty có chế độ đãi ngộ tốt hơn để đầu quân.
Mất một năm để làm quen với ngôn ngữ, cuộc sống ở xứ người, đến nay trình độ tiếng Nhật của Tâm đã đạt N3, giao tiếp cơ bản. Tuy nhiên, Tâm nói mình không gặp may, bởi mọi thứ đang dần ổn định thì tiền Nhật lại xuống giá, trước kia 10.000 yên đổi được 2,1 triệu đồng, nay chỉ còn 1,7 triệu đồng.
Bạn bè cùng lứa đã yên bề gia thất, riêng Tâm đến nay vẫn lẻ bóng. Hiện người Việt sống và làm việc ở Nhật khá nhiều, song đa số có gia đình, còn những thanh niên 20-25 tuổi thì lại chênh lệch tuổi tác. Để tìm được một người "cùng chí hướng" gần như không thể nên Tâm đành gác lại chuyện yêu đương.
"Gần 3 năm vất vả rồi, em đặt mục tiêu hết hợp đồng sẽ gia hạn thêm 2-3 năm nữa rồi mới về quê, để không lãng phí thời gian dài cố gắng. Hạnh phúc cá nhân rất quan trọng, nhưng thấy mẹ, chị em khổ cực thì mình cũng không vui vẻ gì, do vậy trước mắt em sẽ làm tròn nghĩa vụ với gia đình", Tâm nói.
Hồng và Tâm nằm trong số 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo diện hợp đồng. Đa số là lao động phổ thông, đi để thoát nghèo. Đích đến của họ là Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi có mức lương khá hơn so với thị trường khác. Thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trung bình mỗi năm lao động xuất khẩu gửi về 3-4 tỷ USD.
*Tên nhân vật đã thay đổi.
Đức Hùng - Nguyễn Hải