Đã hai tháng trôi qua kể từ Tết, nhiệt độ mỗi ngày mỗi nóng. Từ đầu tháng 4 đến nay, mới 8-9 giờ sáng mà trời đã nóng oi bức. Có việc phải đi ra đường từ khung giờ 12h-3h chiều mỗi ngày, tôi có cảm giác như muốn "bốc hơi". Đến tận 5h mà trời vẫn còn nắng.
Buổi tối cũng không khá khẩm hơn dù nhiệt độ có giảm, nhưng oi bức vẫn còn. Thế là cả gia đình, hai vợ chồng ngủ phòng máy lạnh, hai đứa con ngủ phòng riêng cũng có máy lạnh. Nhưng niềm "kiêu hãnh" đó chẳng lâu, giấc ngủ mát mẻ với máy lạnh cũng trở nên chập chờn vì... lo hóa đơn tiền điện.
Năm ngoái, vợ chồng một người bạn của tôi vì tiết kiệm điện, đã dồn hai vợ chồng, hai đứa con vào một phòng ngủ để chỉ bật một máy lạnh cho đỡ xót tiền điện.
Hay như các phòng trọ trong những căn nhà cao 3-4 tầng khu xóm tôi, hầu như phòng nào cũng phải gắn máy lạnh. Đến nỗi, tiêu chí đi tìm phòng trọ của nhiều người là phải có máy lạnh. Nhưng sau đó, niềm vui ngắn ngủi tận hưởng làn gió mát là nỗi canh cánh hóa đơn tiền điện.
Tôi nhận thấy, cái vòng luẩn quẩn này hiện diện trong những ngôi nhà ống - dạng thiết kế nhà ở rất phổ biến ở đô thị chúng ta.
Khí hậu nhiệt đới, gần xích đạo dường như nóng ẩm quanh năm, nhưng lại có rất nhiều nhà ống san sát nhau, không thông thoáng, chẳng thông gió, không có cửa sổ (hoặc cửa sổ bị bức tường nhà hàng xóm che kín)... tất cả kín um như một chiếc hộp và phải giải nhiệt bằng máy lạnh.
Năm 1968, thuật ngữ "biến đổi khí hậu" được nhắc đến trong một bản báo cáo. Đã hơn 50 năm, thuật ngữ này song hành với cụm từ "nóng lên toàn cầu". Điều này làm nhiều người liên tưởng đến băng ở Nam Cực tan ra, nước biển dâng lên, thủng tầng Ozone... nhưng chúng khá xa vời.
Điều dễ nhận thấy, ai cũng cảm nhận được và chịu đựng đó là không khí oi bức như tôi vừa nói.
Trong khi các nhà khoa học tìm ra giải pháp chống biến đổi khí hậu hữu hiệu hơn, có lẽ chúng ta nên tìm cách thích nghi, chẳng hạn như kiến trúc nhà ở thông gió hơn, làm bằng vật liệu cách nhiệt, trồng cây xanh hoặc sơn phản quang chống hấp thụ nhiệt.
Nếu cứ phó mặc nhiệt độ trong nhà cho những chiếc máy lạnh, ngoài tiền điện chi trả nhiều hơn, tình hình sẽ càng trở nên tồi tệ hơn qua mỗi năm mà thôi.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.