Trong khi Mỹ đang chống chọi với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong khoảng 4 thập kỷ, Trung Quốc chỉ chứng kiến giá lương thực tăng hơn 2% so với một năm trước.
Nhưng với khoảng 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc, tình trạng giảm thu nhập ngày càng trở nên phổ biến, trong bối cảnh kinh tế trở nên khó khăn cùng diễn biến phức tạp của Covid-19 ở nhiều địa phương trọng điểm.
"Lạm phát toàn cầu đang khá nghiêm trọng và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá dầu, khí đốt cũng như ngũ cốc của Trung Quốc trong nửa cuối năm nay", Gong Wentao, nhà đầu tư độc lập trên thị trường bất động sản và chứng khoán Trung Quốc, nhận xét.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Trung Quốc, thước đo chính của lạm phát, tăng 2,1% trong tháng 4, so với mức tăng 1,5% trong tháng 3 và 0,9% hồi tháng một.
Tuy nhiên, Gong cho rằng tình trạng lạm phát tăng vọt ở nhiều nước phương Tây sẽ không xảy ra ở Trung Quốc, do người dân tin tưởng vào khả năng ổn định giá cả cơ bản của chính phủ. Trung Quốc đã thực hiện nhiều động thái kiềm chế lạm phát, trong đó có chính sách dự trữ ngũ cốc trong hai năm qua.
Năm ngoái, CPI Trung Quốc tăng 0,9%, nhưng mức tăng lạm phát mới nhất dường như vẫn nằm trong phạm vi có thể kiểm soát được, so với mức 2,9% của năm 2019 hay 2,5% năm 2020, đồng thời vẫn nằm trong giới hạn "khoảng 3%" mà chính phủ đưa ra trong năm nay.
Theo Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng tại JD Digits, công ty chuyên về công nghệ tài chính (fintech) của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ JD.com, đối mặt với rủi ro về hàng nhập khẩu do lạm phát ở Mỹ và suy thoái có thể xảy ra ở châu Âu, Trung Quốc cần thúc đẩy tiêu dùng trong nước hơn bao giờ hết.
Shen cũng cho biết giảm chi tiêu trong nước đã trở thành rủi ro kinh tế chính ở Trung Quốc.
Wendy Liu, giám đốc một công ty nước ngoài ở Thâm Quyến, vẫn đang cố gắng xoay xở trước nguy cơ bất ổn kinh tế tại Trung Quốc.
"Tôi không biết phải hiểu tình hình hiện nay như thế nào nữa. Liệu đó là lạm phát đình trệ hay giảm phát", Liu nói. "Các mặt hàng như rau xanh, hoa quả, hàng ăn uống và điện tử tiêu dùng tăng giá, nhưng giá thuê nhà và các mặt hàng có ảnh hưởng nhiều nhất đến người dân như thịt, gạo lại tăng khá ít".
Nhà đầu tư Gong xác nhận giá nhà, tiền thuê nhà ở Trung Quốc đang gần như đứng yên, nhưng kèm với đó là thu nhập của tầng lớp trung lưu cũng "giẫm chân tại chỗ", trong khi ngày càng có nhiều thông tin về việc người lao động bị sa thải.
"Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là tiêu ít đi, luôn là như vậy, bất kể sáng kiến nào được đưa ra", Gong nói. "Điều này giống như những gì diễn ra trước một đợt suy thoái, thực sự đáng sợ".
Liu cho hay hầu hết bạn bè của ông không tăng, thậm chí bị giảm thu nhập trong hai năm qua. "Tôi vẫn có thể kiếm sống, nhưng để duy trì chất lượng cuộc sống của tầng lớp trung lưu như năm ngoái thì rất áp lực", ông nói.
Theo một cuộc khảo sát công khai gần đây về thu nhập trên Weibo, nền tảng truyền thông xã hội trực tuyến hàng đầu Trung Quốc, hơn 56,1% trong 3.359 người được hỏi cho biết thu nhập của họ đã giảm vì đại dịch, trong khi 24,6% nói thu nhập không tăng.
Trong khi giá thịt lợn và giá thuê nhà gần như không thay đổi, phần lớn tầng lớp trung lưu thành thị của Trung Quốc đã mất đi cái gọi là "tự do cherry", khi người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu.
Khái niệm "tự do cherry" từng thông dụng trong tầng lớp trung lưu Trung Quốc, ám chỉ khả năng mua các sản phẩm đắt tiền mà không cần suy nghĩ nhiều, trong đó có cả những món nhập khẩu như cherry.
"Năm ngoái, tôi đã không ngần ngại mua một kg nho cao cấp sản xuất nội địa với giá 70 nhân dân tệ (10,5 USD). Nhưng bây giờ, giá của loại nho này từ cùng thương hiệu là 120 tệ (18 USD) và phải nhập khẩu", Qiu Fa, giám đốc bán hàng tại một cửa hàng trang sức có trụ sở ở Quảng Châu, nói.
Mặc dù tiêu dùng và đầu tư giảm, nhiều người Trung Quốc vẫn phải thực hiện các khoản thanh toán tiền vay ngân hàng mua nhà. Mặt khác, nợ hộ gia đình còn đang tăng lên.
"Một thập kỷ qua, mọi người đều mặc nhiên tin rằng cuộc sống của họ sẽ tốt hơn, nên quyết định mua một ngôi nhà để đầu tư nhằm giảm lạm phát và thu lợi nhuận tốt. Nhưng giờ không ai nghĩ như vậy nữa", Lin Xiaoxia, đến từ Thượng Hải, chia sẻ.
Theo Cric China, một trong những nhà cung cấp dịch vụ dữ liệu bất động sản chính của Trung Quốc, giá thuê nhà ở trung bình hàng tháng tại 55 thành phố trên khắp đất nước là 33,02 nhân dân tệ/m2 (4,94 USD) trong quý I năm nay, giảm 0,72% so với quý IV năm 2021. So với cả năm 2021, tốc độ tăng giá thuê nhà đã giảm đáng kể.
Giá thuê nhà ở tại Thâm Quyến, thành phố công nghệ năng động nhất Trung Quốc, cũng có xu hướng đi xuống vào năm 2021, giảm khoảng 11% so với năm 2019, theo dữ liệu từ Centaline Property.
"Vào quãng thời gian này trước đây, một lượng lớn sinh viên vừa tốt nghiệp từ khắp nơi đổ về Thâm Quyến tìm việc làm và các chủ nhà đã nhân cơ hội này để tăng giá thuê, nhưng không phải năm nay", Jade Zheng, chủ nhà cho thuê ở Thâm Quyến, cho biết. Bà thêm rằng sẽ giữ nguyên giá thuê hai căn hộ của mình ở mức như năm ngoái.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)