Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman ngày 16/4 tuyên bố không quân nước này được "tự do hành động" trên không phận Syria để bảo vệ "lợi ích an ninh quốc gia". Tuy nhiên, giới phân tích quân sự cho rằng những tuyên bố thể hiện ưu thế tuyệt đối trên không như vậy của Israel sẽ không thể được đưa ra trong tương lai nếu Syria sở hữu hệ thống phòng không S-300 của Nga, theo JPost.
Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga Sergei Rudskoi hôm 14/4 cho biết nước này đang xem xét nối lại hợp đồng bán tên lửa S-300 cho Syria sau nhiều năm gián đoạn vì sự can thiệp của một số đối tác phương Tây.
Thông tin này được Nga đưa ra trong bối cảnh Syria vừa hứng chịu đòn tấn công bằng 105 tên lửa hành trình của liên quân Mỹ, Anh, Pháp, sau khi nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.
"Nỗi lo sợ của Israel về uy lực phòng không Syria sẽ tăng đáng kể sau khi tiếp nhận khí tài hiện đại của Nga. Điều đó sẽ hạn chế khả năng tiến hành các chiến dịch không kích lực lượng Iran và Hezbollah ở Syria, cũng như phá hủy các cơ sở vũ khí của Syria và tuyến đường chi viện cho nhóm Hezbollah ở Lebanon", Mark Heller, chuyên gia tại Viện nghiên cứu An ninh Quốc gia thuộc Đại học Tel Aviv, đánh giá.
Trong cuộc nội chiến Syria kéo dài 7 năm qua, Israel đã công khai thừa nhận thực hiện 100 cuộc không kích các mục tiêu ở Syria, dù vẫn giữ im lặng trước cáo buộc về hàng trăm vụ tấn công khác.
Mạng lưới phòng không Syria hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào những hệ thống từ thời Liên Xô như S-75 Dvina, S-125 Pechora, S-200 Vega, 2K12 Kub. Những vũ khí phòng không hiện đại nhất trong biên chế Syria hiện nay gồm tổ hợp pháo - tên lửa tầm ngắn Pantsir-S1 và tầm trung Buk-M2E.
Dù bị đánh giá là cũ kỹ, lưới phòng không Syria vẫn thể hiện sức mạnh trong nhiều cuộc không kích do Israel tiến hành. Hồi tháng 2, tên lửa tầm xa S-200 cổ lỗ từng bắn rơi một tiêm kích F-16I hiện đại của Israel xâm nhập không phận nước này để tấn công căn cứ quân sự Iran.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng đây là lý do tiêm kích Israel không còn dám tiến vào không phận Syria để tiến hành thêm các vụ không kích. Quân đội Nga cho biết hai tiêm kích Israel đã phóng tên lửa hành trình tấn công căn cứ T-4 của Syria vào hôm 9/4 từ không phận Lebanon.
Phòng không Syria đánh chặn tên lửa liên quân Mỹ hôm 14/4
Theo bình luận viên Anna Ahronheim, nếu được trang bị hệ thống S-300, năng lực phòng không của Syria sẽ đượctăng cường đáng kể, gây ra mối đe dọa thực sự với chiến đấu cơ Israel.
Đài radar nhìn vòng 64N6E của biến thể S-300PMU-2 có thể phát hiện đồng thời 300 mục tiêu ở khoảng cách tới 300 km, đủ sức giúp lực lượng phòng không Syria phát hiện tiêm kích Israel hoạt động trên không phận Lebanon và báo động toàn hệ thống.
Một tổ hợp S-300 gồm 6 xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL), mỗi TEL mang được tối đa 4 đạn, cùng xe chỉ huy và radar các loại. Radar điều khiển hỏa lực có thể dẫn bắn cho 12 tên lửa cùng lúc nhằm vào 6 mục tiêu riêng rẽ với tầm bắn tối đa 195 km.
Nếu Nga quyết định nối lại hợp đồng bán S-300 cho Syria được đưa ra từ năm 2013, tiêm kích Israel sẽ đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, đồng thời tính mạng của phi công cũng bị đe dọa, Ahronheim nhấn mạnh.
Duy Sơn