Đứng cạnh Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm 14/5, giữa chuyến công du chớp nhoáng tới các nước Tây Âu, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ghi nhận vai trò của Berlin là bên cung cấp viện trợ lớn thứ hai cho Kiev, chỉ sau Washington.
"Tôi nghĩ chúng tôi sẽ cố gắng để đưa Đức lên vị trí số một", ông Zelensky nói, trong khi Thủ tướng Scholz mỉm cười.
Bình luận mà Tổng thống Zelensky đưa ra trong chuyến thăm Berlin có phần lạc quan, nhưng đã phản ánh một nỗi lo thực tế, khi cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga đang bước vào giai đoạn cực kỳ nhạy cảm, theo giới phân tích.
Nỗ lực của Kiev nhằm lôi kéo ủng hộ từ các đồng minh, nhiệm vụ diễn ra gần như liên tục từ khi Moskva phát động chiến dịch quân sự hồi tháng hai năm ngoái, đang ngày càng bị phủ bóng bởi kịch bản Mỹ sẽ không còn là nhà viện trợ hàng đầu cho Ukraine sau cuộc bầu cử tổng thống 2024.
"Ở mức độ nào đó, điều này chứng tỏ châu Âu đang bất an trước cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Mỹ", Liana Fix, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viện nghiên cứu có trụ sở tại New York, nhận xét. "Châu Âu muốn khẳng định họ vẫn sẽ tiếp tục giúp đỡ Kiev ngay cả khi 'gió đảo chiều' ở Mỹ, nhằm làm rõ rằng cuộc chiến này là mối đe dọa đối với cả Ukraine lẫn châu Âu".
Dù cuộc tranh cử tổng thống Mỹ mới bước vào giai đoạn đầu, việc Donald Trump, ứng viên hàng đầu đảng Cộng hòa, từ chối cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine nếu ông đắc cử vào Nhà Trắng năm 2024, đã thổi bùng tâm lý lo âu khắp châu Âu.
"Berlin đang chuẩn bị cho khả năng Donald Trump có thể đánh bại Tổng thống Joe Biden trong cuộc bầu cử năm sau", tờ Der Spiegel của Đức viết vào tháng trước, đồng thời nhận định kết quả như vậy có thể gây ra "thảm họa" cho cả Ukraine và NATO.
Là đầu tàu kinh tế của châu Âu, Đức trước đây từng có mối quan hệ tương đối căng thẳng với Ukraine xung quanh vấn đề mức độ hỗ trợ quân sự mà Berlin sẽ cung cấp cho Kiev.
Chuyến thăm cuối tuần qua đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Ukraine tới Berlin kể từ thời điểm xung đột bùng phát. Nó được coi là bước ngoặt trong mối quan hệ giữa hai nước, khi Đức công bố gói viện trợ quân sự lớn chưa từng có cho Ukraine, trị giá gần 3 tỷ USD, vào đêm trước cuộc gặp của hai lãnh đạo.
Chỉ hơn một năm trước, thái độ gay gắt của Ukraine đã khiến Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier phải hủy chuyến thăm Kiev. Việc Đức ngần ngại cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine cũng là nguyên nhân khiến mối quan hệ song phương trở nên lạnh nhạt suốt nhiều tháng.
Tuy nhiên, giọng điệu chung đã thay đổi hoàn toàn trong cuộc họp báo của hai lãnh đạo ở Berlin cuối tuần qua. Tổng thống Zelensky bày tỏ tin tưởng rằng hỗ trợ từ những người bạn như Đức sẽ khiến Nga thất bại trong năm nay.
Sau Berlin, Tổng thống Ukraine tiếp tục đến Paris. Chuyến thăm bất ngờ của ông tới Pháp vào tối 14/5 đã phát đi thông điệp trấn an về mối quan hệ giữa Kiev và Paris.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng khiến các quan chức ở Kiev bất an khi liên tục gợi ý rằng đàm phán với Nga là lựa chọn hợp lý. Nhưng cuối tuần qua, sau cuộc ăn tối làm việc kéo dài ba giờ, Tổng thống Macron và Zelensky thông báo rằng Pháp đã đề nghị huấn luyện binh sĩ, đồng thời hứa cung cấp xe bọc thép và xe tăng hạng nhẹ cho một số tiểu đoàn của Ukraine.
Tại Anh, Thủ tướng Rishi Sunak đã ôm Tổng thống Zelensky sau khi lãnh đạo Ukraine từ trực thăng bước xuống dinh thự Checkers, nơi nghỉ dưỡng của Thủ tướng Anh ở ngoại ô thủ đô London, để thực hiện chuyến thăm không thông báo trước với truyền thông.
Thủ tướng Anh tuyên bố London sẽ cung cấp cho Kiev thêm hàng trăm tên lửa phòng không, cũng như máy bay không người lái (UAV) tấn công tầm xa. Ông Sunak từ khi nhậm chức đã nổi lên như một người ủng hộ nhiệt thành với Ukraine.
Tuần trước, Anh thông báo đã chuyển cho Ukraine các tên lửa hành trình Storm Shadow hiện đại với tầm bắn trên 240 km.
Với Ukraine, thúc giục châu Âu thể hiện những cam kết hỗ trợ vững chắc mới là cách để xoa dịu những lo ngại rằng bất cứ thay đổi nào trong nền chính trị Mỹ có thể cản trở dòng viện trợ trong tương lai.
"Nếu tôi là Tổng thống Zelensky, tôi sẽ muốn nhìn thấy động lực hỗ trợ rõ ràng ở châu Âu trong thời gian Mỹ chuẩn bị bầu cử", Thomas Kleine-Brockhoff, học giả tại Quỹ Marshall ở Berlin, Đức, cho hay.
Gói viện trợ mới của Đức sẽ có thêm 30 xe tăng Leopard 1, cùng với xe bọc thép Marder, hệ thống phòng không và UAV giám sát. Nhưng thay vì mô tả đây là nỗ lực chuẩn bị cho Kiev trước chiến dịch phản công được kỳ vọng từ lâu, Berlin phát đi tín hiệu rằng nó nhằm thể hiện một cam kết lâu dài.
"Tất cả chúng ta đều hy vọng cuộc chiến khủng khiếp này sẽ nhanh chóng kết thúc", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói hôm 13/5, khi khoản hỗ trợ được công bố. "Nhưng thật không may, điều này khó diễn ra trong tương lai gần. Đây là lý do Đức sẽ cung cấp mọi hỗ trợ có thể cho Ukraine, miễn là cần thiết".
Nhưng ông Zelensky không có được mọi thứ mong muốn trong chuyến công du này, khi chiến dịch phản công chuẩn bị diễn ra. Trên thực tế, phần lớn các khoản viện trợ mới được ba nước châu Âu công bố sẽ khó tới được Ukraine trước khi chiến dịch phản kích bắt đầu.
Kiev từ lâu đã nhấn mạnh rằng thứ họ cần nhất là chiến đấu cơ phương Tây. Nhưng ngay cả Anh, một trong những đồng minh ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, cũng không thể đưa ra cam kết rõ ràng về vấn đề này.
Thủ tướng Sunak hứa hẹn sẽ giúp huấn luyện phi công Ukraine sử dụng máy bay chiến đấu của NATO, nhưng lưu ý rằng việc xây dựng sức mạnh cho không quân Ukraine "không phải nhiệm vụ dễ dàng".
Nguyên nhân khiến phương Tây trì hoãn hỗ trợ tiêm kích cho Ukraine bắt nguồn từ mối lo ngại của NATO rằng họ sẽ bị nhìn nhận như một bên đang trực tiếp tham gia vào cuộc đối đầu với Nga.
Chuyến công du châu Âu của ông Zelensky cũng không tạo được nhiều biến chuyển với lời kêu gọi lâu nay rằng NATO cần nhanh chóng kết nạp Ukraine làm thành viên.
"Đã đến lúc xóa bỏ điểm không chắc chắn nhất về an ninh châu Âu, đó là đưa ra một quyết định chính trị tích cực về tư cách thành viên NATO của chúng tôi", Tổng thống Ukraine nói trong một video được ghi sẵn cho Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ Copenhagen ngày 15/5.
Nhưng khi xuất hiện cạnh Tổng thống Ukraine tại Berlin, Thủ tướng Đức Scholz đã bỏ qua chủ đề này. Sự ủng hộ của công chúng đối với việc kết nạp Ukraine vào NATO đến nay vẫn chỉ giới hạn ở các quốc gia ở rìa đông của liên minh.
Theo học giả Kleine-Brockhoff, đây sẽ là lý do khiến quan hệ giữa Ukraine và châu Âu vẫn tồn tại bất đồng sau những màn đón tiếp nồng nhiệt dành cho ông Zelensky.
Phát biểu tại Copenhagen, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết thực tế là các cuộc thảo luận về tư cách thành viên của Ukraine sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa trừ khi nước này cố gắng duy trì được vị thế là "quốc gia độc lập có chủ quyền ở châu Âu". Điều này đồng nghĩa Ukraine sẽ phải chấm dứt chiến sự trước khi được xem xét làm thành viên của khối.
Bình luận từ lãnh đạo NATO một lần nữa dội gáo nước lạnh vào Ukraine, ngay cả khi họ vừa tuyên bố đạt được bước tiến quan trọng ở thành phố miền đông Bakhmut, nơi đang diễn ra những trận giao tranh ác liệt nhất.
Hôm 14/5, Thứ trưởng Quốc phòng Ganna Malyar thông báo Ukraine đã giành lại hơn 10 vị trí do lực lượng Nga kiểm soát ở vùng ngoại ô phía bắc và nam Bakhmut.
Tư lệnh lục quân Ukraine Oleksandr Syrskyi cho hay những thành tựu gần đây ở Bakhmut đã chứng minh Kiev hoàn toàn "có thể tiến lên ngay cả trong điều kiện cực kỳ khó khăn". "Chúng tôi đang chiến đấu với ít nguồn lực hơn đối phương, nhưng vẫn có thể ngăn chặn kế hoạch của họ", ông tuyên bố.
Vũ Hoàng (Theo LA Times)