Anh Nguyễn Thạch, 46 tuổi, tài xế xe dịch vụ du lịch ở TP Phan Thiết, Bình Thuận, cho biết hai năm qua các tuyến cao tốc phía Nam đưa vào khai thác giúp rút ngắn quãng đường và thời gian di chuyển. Tuy nhiên, nhiều đoạn mới làm 4 làn xe, chưa có làn khẩn cấp mà chỉ có điểm dừng cách nhau 4-5 km, nguy cơ tai nạn rất cao.
Tài xế Thạch cho hay thường chở khách từ Phan Thiết vào TP HCM, miền Tây và ngược ra Nha Trang. Đối với cao tốc hướng từ Phan Thiết ra Nha Trang, mỗi lần chở khách, anh thấy "hồi hộp" vì cả ba đoạn đều không có làn khẩn cấp, gồm: Phan Thiết - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Cam Lâm và Cam Lâm - Nha Trang.
Lộ trình này cho phép vận tốc 90 km/h, nhưng anh không dám chạy tối đa vì sợ không kịp xử lý tình huống, nhất là vào ban đêm. Theo anh, do đường hẹp, các ôtô chạy khoảng cách gần nhau, khi vượt lên nếu không chú ý quan sát dễ tông vào xe phía trước.
Không chỉ nguy hiểm cho ôtô đang di chuyển, cao tốc thiếu làn khẩn cấp còn tiềm ẩn rủi ro cho xe gặp sự cố dọc đường nếu không kịp vào điểm dừng. Nhiều ôtô gặp trục trặc nổ lốp, chết máy đậu ngay trên làn xe chạy, chờ cứu hộ. Lúc đó, tài xế thường nháy đèn xe, đặt các vật dụng như xô, chậu, cành cây cảnh báo vài chục mét. "Tuy nhiên ban đêm xe thường chạy tốc độ cao, sương mù, tài xế buồn ngủ lái xe dễ tông vào ôtô đang dừng", anh Thạch nói.
Cách đây hai ngày, xe khách từ Phú Yên đi TP HCM khi chạy trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã gặp sự cố động cơ. Do không có làn khẩn cấp, tài xế tấp xe vào bên đường để kiểm tra bị ôtô khách tông từ phía sau làm hai người chết, nhiều nạn nhân bị thương. Thống kê của Khu quản lý đường bộ 4 (Cục Đường bộ), từ khi đưa vào khai thác tháng 5/2023 tới nay, tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết xảy ra 16 vụ tai nạn làm chết 10 người. Trong đó không ít sự cố do xe hỏng máy, tấp vào sát đường, bị ôtô chạy phía sau đâm vào.
Tài xế Đoàn Bình Minh, 53 tuổi, hàng ngày lái xe giường nằm tuyến Nha Trang - TP HCM, cũng cho rằng so với quốc lộ 1, đi cao tốc thuận tiện hơn nhiều, song cũng đối mặt rủi ro tai nạn, nhất là về đêm khi xe thường chạy nhanh. Khác xe tải hay ôtô cá nhân, xe khách chở hàng chục người, sơ suất nhỏ có thể gây hậu quả rất lớn. Các chuyến xe cũng được ấn định lịch trình nên tài xế thêm áp lực, trong đó không ít người chạy ẩu để kịp giờ.
Theo tài xế này, xe gặp sự cố hư hỏng đậu ngay trên làn đường đang chạy, ngoài nguy cơ tai nạn còn gây ùn tắc vì mỗi chiều cao tốc chỉ có hai làn. Việc này còn gây khó khăn cho cứu hộ tiếp cận. "Dù biết quan trọng nhất vẫn là ý thức tài xế không được chạy ẩu, chú ý quan sát, việc mở rộng cao tốc và làm làn khẩn cấp là rất cấp bách", ông Minh nói.
Ngoài một số cao tốc nêu trên, cả nước đang có nhiều đoạn trên tuyến Bắc - Nam đưa vào khai thác với quy mô 2-4 làn xe, không có làn khẩn cấp như trục Cao Bồ (Nam Định) - Diễn Châu (Nghệ An), Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng)... Nhiều tuyến lưu lượng xe lớn hoặc qua địa hình phức tạp như dốc, cong nhưng mặt đường nhỏ hẹp đã xảy ra tai nạn nghiêm trọng dù vận hành chưa lâu.
Tương tự, khu vực phía Nam, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang) khi khai thác năm 2022 đã bộc lộ hạn chế khi không có làn khẩn cấp. Đây là một trong những tuyến có lưu lượng xe cao, bình quân mỗi ngày khoảng 25.000 lượt, nhưng xảy ra nhiều tai nạn do ôtô gặp sự cố không kịp vào điểm dừng. Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (nhà đầu tư) cho biết 8 tháng đầu năm nay, tuyến xảy ra 63 vụ va chạm, làm 5 người chết và 20 người bị thương.
TS Phạm Viết Thuận, Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, nói các tuyến cao tốc đưa vào khai thác thời gian qua giúp tăng kết nối vùng, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương. Tuy nhiên, nhiều tuyến bộc lộ bất cập khi số làn xe hạn chế, không làn dừng khẩn cấp, dải phân cách, thiếu trạm dừng nghỉ...
Ngoài vấn đề nguồn lực hạn chế buộc phải phân kỳ đầu tư, ông Thuận cho rằng những bất cập trên còn xuất phát từ quá trình tư vấn thiết kế ban đầu chưa phù hợp địa hình các khu vực. Một số đoạn qua vùng đồi núi với các khúc cua, dốc cao nhưng chỉ hai làn xe, không dải phân cách, thiếu làn dừng khẩn cấp khiến tài xế khó xử lý tình huống phát sinh. Từ đó chuyên gia cho rằng cần nâng cấp các tuyến đạt tối thiểu 4 làn xe, 2 làn khẩn cấp.
Trước đó, lý giải nhiều cao tốc chưa được đầu tư quy mô hoàn chỉnh, Bộ Giao thông Vận tải cho biết trở ngại lớn nhất nguồn vốn. Để đạt mục tiêu tới năm 2030 cả nước có 5.000 km cao tốc cần tổng vốn khoảng 813.000 tỷ đồng, song đến năm 2020 mới bố trí được 395.000 tỷ đồng. Ngân sách hạn hẹp, kêu gọi vốn tư nhân lại khó khăn nên 11 tuyến cao tốc triển khai giai đoạn 2017-2020 phải phân kỳ đầu tư, phù hợp nhu cầu cầu vận tải, dự báo lưu lượng xe. Khi có nguồn vốn, các tuyến tiếp tục được đầu tư mở rộng, hoàn thiện.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đánh giá việc phân kỳ đầu tư 2-4 làn xe, không bố trí dải phân cách giữa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra, tốc độ khai thác cũng chưa cao, khoảng 80-90 km/h, có tuyến 60 km/h. Để xử lý bất cập, trước mắt Cục Đường bộ và các Ban quản lý dự án thuộc Bộ đang rà soát, bổ sung hạng mục an toàn trên các tuyến. Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương đang rà soát, huy động nguồn lực để sớm mở rộng các tuyến.
Theo TS Chu Công Minh, chuyên ngành cầu đường thuộc Đại học Bách khoa TP HCM, trong điều kiện nhiều tuyến đang chờ nâng cấp, mở rộng, trước mắt cần bổ sung hệ thống camera, tăng cường "phạt nguội" xe vi phạm. Việc lập kế hoạch đầu tư những dự án mới cần tính đến các yếu tố bao gồm dự báo sát về địa hình, lưu lượng xe, trạm dừng nghỉ...
Việt Quốc - Hạ Giang