Quân đội Nga đang hiện diện khắp Crimea, từ những quân nhân tạm biệt người thân tại nhà ga xe lửa hay chiến đấu cơ bay vòng trên bầu trời. Các phương tiện quân sự sơn chữ Z trên thân chạy dọc xa lộ Tavrida, con đường dài 250 km nối những thành phố chính của bán đảo.
Ngư dân Crimea hàng ngày chứng kiến các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen cập cảng và ra khơi tại Sevastopol, thành phố lớn nhất ở bán đảo. "Chiến dịch quân sự đặc biệt vì tương lai của nước Nga" là thông điệp trên một tấm biển quảng cáo đặt cạnh con đường dẫn tới cảng. Rạp chiếu phim "Chiến thắng" tại Sevastopol giờ đây cũng gắn biểu tượng chữ Z khổng lồ. Những con đường tại thành phố rợp bóng cờ Nga.
Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ từ năm 2014, nhưng Ukraine và các đồng minh phương Tây của họ cũng như Liên Hợp Quốc không công nhận. Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát một năm trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã tuyên bố quyết giành lại bán đảo này, cho rằng nó là một phần không thể tách rời của Ukraine.
Nhưng Praskovya Baranova, 73 tuổi, cư dân sống ở Crimea, lại có cảm nhận khác. Bà cho rằng mình giống như người Nga và Crimea là vùng đất của Nga. "Tất cả chúng tôi sẽ khoác lên mình bộ quân phục và đến biên giới để tự vệ", bà nói hôm 27/2.
Nhiều người Crimea khác mà phóng viên kênh truyền hình Mỹ NBC News đã phỏng vấn tuần qua cũng đưa ra thông điệp tương tự.
Phần lớn dân số trên bán đảo nói tiếng Nga và có quan điểm thân Moskva hơn so với các vùng khác của Ukraine. Điện Kremlin cho biết sau khi sáp nhập, cuộc sống ở Crimea đã được cải thiện đáng kể.
Các trạm xăng kiểu hiện đại dọc những tuyến cao tốc ở Crimea vẫn bán Coca-Cola nhập khẩu từ Belarus, loại nước giải khát khó tìm thấy tại Moskva những ngày này.
Nhưng Tổng thống Zelensky khẳng định Crimea là một trong những lý do khiến ông muốn có thêm vũ khí mạnh hơn từ Mỹ và NATO. "Crimea là đất của chúng tôi, lãnh thổ của chúng tôi", ông nói hồi tháng một. "Hãy trao cho chúng tôi vũ khí, chúng tôi sẽ giành lại những gì là của chúng tôi".
Kiev có thể lo ngại rằng nếu không giành lại Crimea trước khi thỏa thuận hòa bình được ký kết nhằm chấm dứt xung đột, hải quân Nga tại quân cảng Sevastopol sẽ đe dọa đường bờ biển của Ukraine trong những năm tới.
Sau các vụ nổ làm rung chuyển loạt địa điểm chiến lược ở Crimea và lực lượng Ukraine giành lại thành phố Kherson gần đó cuối năm ngoái, cơ hội để Kiev mở chiến dịch phản công ở Crimea đang rộng mở.
Nếu Ukraine tìm cách giành lại bán đảo bằng vũ lực như tuyên bố của ông Zelensky, rất nhiều trong số 2,4 triệu dân Crimea sẽ rơi vào cảnh bị mắc kẹt ở giữa.
"Ông ấy sẽ không lấy lại được Crimea", Ruslan Nalgiev, 36 tuổi, nói. "Ngay cả khi chiến sự nổ ra ở đây, chúng tôi vẫn sẽ bảo vệ Sevastopol".
Theo giới chuyên gia, Sevastopol, nơi đặt trụ sở Hạm đội Biển Đen, là nơi mà Tổng thống Vladimir Putin có thể quyết tâm bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cảnh báo rằng nỗ lực giành lại Crimea của Ukraine có thể vượt qua "lằn ranh đỏ" của Tổng thống Putin và Washington "không khuyến khích" Kiev làm như vậy.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland gần đây nói rằng "ít nhất, cần phi quân sự hóa Crimea", không tiết lộ quá trình này có thể được thực hiện như thế nào, làm dấy lên hoài nghi về khả năng Mỹ hỗ trợ Ukraine phản công vào bán đảo.
Trước khả năng Ukraine mở đợt phản công, Nga đã tăng cường phòng thủ ở Crimea. Giới chức Sevastopol gần đây dựng các biển báo chỉ dẫn tới hầm trú ẩm gần nhất.
Diana Galastyan, 26 tuổi, bác bỏ thông tin rằng chính quyền Nga có thể đang tìm cách khiến người dân sợ hãi. "Không ai gieo rắc nỗi sợ lên chúng tôi. Không ai nói với chúng tôi rằng mọi thứ rất đáng sợ. Không có bất cứ thứ gì như thế", cô cho hay.
Dù vậy, tâm lý lo âu vẫn hiện hữu.
Tại thị trấn lịch sử Bakhchisarai của người Tatar ở Crimea, Olga bật khóc khi nói về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
"Tất cả các bà mẹ đều khóc, cả ở Nga và Ukraine", bà nói. "Tại sao họ lại bắt đầu cuộc chiến đó. Tất cả chúng ta không thể sống trong hòa bình sao. Chúng ta không thể chia đôi mẩu bánh mì sao?".
Nhưng lửa xung đột vẫn có nguy cơ lan đến Crimea. Tổng thống Zelensky tuyên bố cuộc chiến bắt đầu tại Crimea sẽ kết thúc ở đây, một viễn cảnh mà đối với cư dân bán đảo có thể đồng nghĩa rằng còn lâu mới chấm dứt đổ máu.
"Tôi đã sống khá lâu và luôn nghĩ rằng thế hệ chúng tôi sẽ không phải chứng kiến xung đột, giao tranh. Nhưng bạn thấy đấy, tôi đã nhầm", Olga nói.
Vũ Hoàng (Theo NBC News)