Một điệp viên kỳ cựu của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngày 20/2 gửi cho Washington Post một lá thư ngắn kèm đoạn video gây sốc, giải thích lý do anh quyết định rời khỏi cơ quan tình báo gắn bó lâu năm này vì không thể tiếp tục làm việc dưới thời của Tổng thống Donald Trump.
Ned Price, chuyên gia phân tích tình báo lâu năm của CIA, người gần đây là phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, tuyên bố rằng cung cách làm việc của Trump cũng như cách Tổng thống đối xử với CIA đã khiến anh đi đến kết luận rằng tân Tổng thống là người "lừa dối hoặc ảo tưởng".
Price cho biết 15 năm trước, anh tuyên bố với cha mình rằng sẽ theo đuổi đến cùng công việc của một điệp viên tại CIA. Cha anh rất lo lắng, bởi nếu theo nghề này, anh sẽ rất khó xin được việc mới một khi thất nghiệp. "Một lần là CIA, mãi mãi là CIA". Nhưng điều đó không làm Price nản chí, anh quyết định coi CIA là sự nghiệp của đời mình.
"Điều đó thay đổi khi tôi nộp đơn xin nghỉ việc hồi tuần trước. Dù đã tự hào làm việc dưới thời cả tổng thống đảng Dân chủ lẫn Cộng hòa, tôi miễn cưỡng đi đến kết luận rằng mình không thể phục vụ một cách trung thành dưới chính quyền này như một chuyên gia tình báo", Price viết.
Quyết định này đến với Price không hề dễ dàng, bởi anh đã gắn bó với CIA từ khi tốt nghiệp, tin tưởng rằng đây là nơi lý tưởng để phụng sự đất nước, là đất dụng võ cho những hiểu biết về quan hệ quốc tế của anh.
"CIA đã dạy tôi những kỹ năng mới, giúp tôi tiếp xúc với các nền văn hóa và đất nước mới. Quan trọng hơn, nó khơi cảm hứng cho tôi về sứ mệnh và mục đích. Là một nhà phân tích, tôi trở thành chuyên gia về các nhóm khủng bố, đi khắp nơi trên thế giới để giúp ngăn chặn các vụ tấn công", Price mô tả về công việc mà mình đã đảm nhiệm suốt 15 năm qua.
Tuy nhiên, anh thể hiện sự thất vọng với cách mà Tổng thống Trump nhìn nhận các cơ quan tình báo khác hẳn với những người tiền nhiệm. "Chính quyền George W. Bush và Barack Obama tiếp nhận các thông tin của CIA một cách nghiêm túc. Không có phần thưởng nào lớn lao bằng việc những phân tích của mình được trình lên tổng thống và chứng kiến nó định hình các sự kiện. Đó là cách chính sách thông tin tình báo vận hành".
"Từ khi còn là một ứng viên tổng thống, giọng điệu của Donald Trump đã cho thấy ông sẽ có hướng đi khác. Tôi đã không tin vào mắt mình khi Trump nghi ngờ kết luận của 17 cơ quan tình báo về việc Nga đứng sau vụ tấn công mạng làm rò rỉ email liên quan đến bầu cử", Price cho biết.
Anh càng thất vọng hơn khi chứng kiến tổng thống đắc cử Trump liên tục nhắc tới bản báo cáo sai sót năm 2002 của CIA về chương trình vũ khí của Iraq để chứng minh cho luận điểm rằng CIA không đáng tin cậy, dù cả cộng đồng tình báo Mỹ đã nhận trách nhiệm về sai lầm này và chính bản thân Trump cũng ủng hộ cuộc xâm lược Iraq.
Giọt nước tràn ly
Price coi chuyến thăm của Trump tới tổng hành dinh CIA một ngày sau khi đắc cử là động lực lớn để anh từ bỏ sự nghiệp tình báo. Chuyến thăm này nhằm mục đích hàn gắn quan hệ vốn đã sứt mẻ giữa Trump và CIA, nhưng những gì ông nói ngày hôm đó càng khiến mọi thứ tồi tệ hơn, Price cho biết.
"Đứng trước đài tưởng niệm các sĩ quan CIA đã ngã xuống, ông ấy dường như chỉ nói với các phóng viên hơn là các nhân viên tình báo ngồi trong phòng, ba hoa về đám đông dự lễ nhậm chức hôm trước", Price kể lại.
Chuyên gia tình báo này nói rằng đó không phải là những lời nói mà các đồng nghiệp và anh muốn nghe từ tổng tư lệnh của mình. "Tôi không thể không nghĩ đến sự trái ngược hoàn toàn giữa tân tổng thống bạo miệng kia với sự cống hiến thầm lặng của một cố vấn đầy chuyên nghiệp, tận tâm và dũng cảm được tưởng niệm trên bức tường phía sau. Tôi biết nhiều thành viên CIA khác cũng có cảm giác tương tự".
Giọt nước tràn ly xảy ra vào cuối tháng trước, khi Nhà Trắng ban hành một sắc lệnh tái cấu trúc Hội đồng An ninh Quốc gia, trong đó giám đốc CIA và giám đốc tình báo quốc gia bị loại khỏi những vị trí chủ chốt trong hội đồng, Price cho hay. Điều đáng ngạc nhiên nhất là Stephen Bannon, một ông trùm truyền thông, lại xuất hiện trong hội đồng này và trở thành chiến lược gia chính của Tổng thống.
Dù sau đó chính quyền Trump phải thay đổi quyết sách trước sự giận dữ của dư luận để bổ nhiệm giám đốc CIA và vị trí chủ chốt trong Hội đồng An ninh Quốc gia, Price cho rằng Nhà Trắng đã thể hiện rất rõ rằng họ gần như không cần đến các chuyên gia tình báo có thể thách thức đến cái gọi là chủ trương "Nước Mỹ đầu tiên" của Trump. "Đó là lý do các cố vấn thân cận của tổng thống, chứ không phải các chuyên gia tình báo chuyên nghiệp, có tiếng nói quyết định về những thông tin tình báo đến được bàn làm việc của ông", Price nói.
Price khẳng định lý do rời bỏ CIA của mình hoàn toàn không mang tính chính trị và anh sẵn sàng quay trở lại làm việc dưới thời một tổng thống đảng Cộng hòa cởi mở với các nhà phân tích tình báo.
"Tôi đã hết lòng phụng sự dưới thời Tổng thống Bush, dù đôi khi không đồng ý với chính sách của ông ấy. Tôi cũng tham gia vào các chương trình bị chỉ trích và bị đình chỉ của chính quyền Obama. Là một chuyên gia tình báo, chúng tôi được dạy phải gác lại quan điểm chính trị của mình. Con sông nằm giữa trụ sở CIA và Washington cũng giống như hàng rào về chính trị. Thế nhưng chính quyền Trump đã phá bỏ hàng rào đó, các chính trị gia giờ đây đang áp đặt tiếng nói lên chuyên gia tình báo".
Price cho rằng nếu Nhà Trắng nghiêm túc trong việc xây dựng lòng tin với cộng đồng tình báo, họ phải nỗ lực hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở những bài phát biểu ở trụ sở CIA hay các thông cáo báo chí. "Điều mà các chuyên gia tình báo mong muốn nhất là được thấy thành quả từ công sức mà họ bỏ ra, đôi khi phải đánh đổi bằng mạng sống của mình, được ghi nhận trong quá trình hoạch định chính sách", Price viết.
"Nếu không làm được như vậy, Tổng thống Trump và đội ngũ của mình chỉ đang làm tổn hại thêm đến những con người tận tâm và quốc gia mà họ đang tự hào phục vụ một cách thầm lặng", chuyên gia tình báo này nhấn mạnh.
Trí Dũng