Buổi ra mắt sách "Nối hai đầu thế kỷ" diễn ra tối 30/12 tại Thư viện Hà Nội, nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga (1994 - 2014). Sách do Châu Hồng Thủy (Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại Liên bang Nga) chủ biên, các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Huy Hoàng biên soạn.
Tập thơ Nối hai đầu thế kỷ dày 600 trang, tuyển chọn tác phẩm của những người sinh sống, học tập, công tác lâu dài hoặc từng công tác, tham quan ngắn hạn tại Liên bang Nga. Bên cạnh in tác phẩm, sách còn dành các trang viết giới thiệu tiểu sử tác giả, sự gắn bó với nước Nga và sự nghiệp của họ. Trong đó có nhiều tác phẩm của các tác giả nổi tiếng như Tố Hữu, Thúy Toàn, Bằng Việt, Trần Đăng Khoa, Thụy Anh...
Các tác phẩm tuyển chọn trong sách thể hiện tình cảm của người Việt Nam với nước Nga. Đó là tình cảm biết ơn của sinh viên, cựu sinh viên Việt dành cho những người thầy, bà mẹ, người bạn nước Nga đã dạy dỗ, đùm bọc mình. Một nước Nga xinh đẹp lưu lại trong thơ Trần Đăng Khoa: "Thấp thoáng căn nhà gỗ/ Nương hồn nước Nga xưa/ Dòng sông trôi mộng mị/ Chết đuối trong sương mờ..." (Chiều Riazan). Nhà thơ Thụy Anh trong bài Tạm biệt nước Nga đã gửi gắm sự tiếc nhớ với mảnh đất mà nhiều du học sinh, nghiên cứu sinh Việt gắn bó: "Tạm biệt Người, mảnh đất xa xôi/ Khi tôi ở đâu chỉ là đất ở/ Trong im lặng tôi lắng nghe hơi thở/ Của rừng thông, bãi cát, đất bồi...". Còn tác giả Thụy Anh bày tỏ tình yêu qua những dòng thơ nhiều cảm xúc: "Trăm ngàn lần mà chưa hết nôn nao/ Bao rung động vẫn vẹn nguyên tươi mới/ Tình yêu này muốn mà không thể nói/ Chỉ trái tim trong giấc ngủ vẫn rộn ràng".
Tuyển thơ Nối hai đầu thế kỷ còn thể hiện tình cảm tha thiết dành cho quê hương Việt Nam của những con người sống xa Tổ quốc. Tình cảm đối với người thân yêu ruột thịt, hình ảnh cây đa bến nước con đò vẫn lẩn khuất trong những trang thơ của họ. Câu thơ "Dẫu ngày ăn miếng bánh Nga/ Đêm mơ chỉ thấy quê nhà mà thôi" của Nguyễn Đình Chính đã nói hộ cho tấm lòng của những người con xa Tổ quốc.
Lam Thu