Nguyễn Xuân Thủy -
- Ông đã xuất bản 22 tập sách, số lượng như vậy là ít hay nhiều so với các nhà văn Nga khác?
- Nếu so với những người viết mà chưa xuất bản thì người ta có thể nhiều hơn tôi, còn đã xuất bản thì như tôi là nhiều đấy. Cũng vì tôi viết cả thơ, văn xuôi, phê bình nữa. Theo tôi, nhà văn không thể một ngày không viết một dòng, một câu.
- Vậy một ngày của ông thường diễn ra như thế nào?
- Tôi không có thời khóa biểu một cách nghiêm chỉnh như nhiều người viết khác. Tôi thường lăn lộn trong mọi thời tiết chứ ít khi ngồi một chỗ. Và như nhiều nhà văn Nga khác, hiện nay tôi cũng phải làm nhiều thứ để có tiền. Chỉ đáng tiếc là tuổi đã cao rồi, viết cả đêm rồi sáng ra lại đi làm thì không được, không thể như thời thanh niên...
Nikolai V. Pereiaxlov ở Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. |
- Ông bắt đầu với văn chương từ bao giờ?
- Tôi đã sáng tác hơn 20 năm, bắt đầu bằng việc cộng tác với một tờ báo địa phương, sau đó tôi đi khắp cả nước, làm đủ các ngành nghề, rồi mới tốt nghiệp hàm thụ đại học văn chương và hoạt động chuyên nghiệp.
- Ông từng là một thợ mỏ, công việc ấy có vẻ trái ngược với việc cầm bút, ông thấy sao?
- Cái này có hai mặt. Lao động của thợ mỏ cũng như lao động địa chất rất nặng nề vất vả nhưng ở đó cũng bộc lộ những phẩm chất của người lao động, và đôi khi người ta cũng rất lãng mạn…
Nhà thơ Nga và dịch giả Thúy Toàn (phải). |
- Ông quan tâm tới Việt Nam từ bao giờ?
- Tôi sinh chỉ sau chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam 5 ngày. Năm 1973 tôi học ở Trường Địa chất và được học cùng rất nhiều sinh viên Việt Nam, họ đã cho tôi cảm thấy gần gũi với Việt Nam. Sau này tôi làm việc tại Hội Nhà văn Nga nên có nhiều điều kiện để tiếp xúc với các bạn Việt Nam. Việt Nam không phải là từ trống rỗng, mà Việt Nam thường đi kèm với từ anh em.
- Ở Nga, văn học Việt Nam được giới thiệu thế nào thưa ông?
- Phải nói thế này, thời Xô Viết văn học Việt Nam được giới thiệu rất nhiều, nhưng từ sau cải tổ thì tự nhiên không chỉ văn học Việt Nam mà nhiều nước anh em khác đều biến mất. Thế nhưng do làm việc ở Hội Nhà văn Nga nên tôi vẫn được đọc.
- Ông đọc những gì từ Việt Nam?
- Tôi đọc một số bài thơ dịch và thấy rất ý nghĩa. Gần đây, muốn để cho bạn đọc Nga biết thêm về thơ ca Việt Nam tôi cũng đã dịch một số ra tiếng Nga. Chẳng hạn như thơ Nguyễn Trọng Tạo, báo Ngôn từ, cơ quan của Hội Nhà văn Nga mới giới thiệu một chùm thơ dịch của các tác giả Việt Nam, tôi có đem theo tờ báo đó đây...
Tờ báo Nga có đăng thơ của các tác giả Việt Nam do Nikolai V. Pereiaxlov mang đến. |
- Từng tham dự liên hoan thơ quốc tế, ông kỳ vọng gì ở liên hoan thơ châu Á, Thái Bình Dương diễn ra tại Việt Nam?
- Tôi mong muốn không chỉ trong các lễ hội, liên hoan, là các nhà thơ luôn lắng nghe nhau, chúng ta đến đây là để lắng nghe nhau, cả những người lãnh đạo cũng nghe... Tôi hi vọng thơ vẫn tồn tại, người nghe vẫn đông đảo và đến một lúc nào đó thơ sẽ tác động đến cả các nhà lãnh đạo nữa, đến một lúc nào đó thơ sẽ có đóng góp cho nền hòa bình, để các dân tộc gần nhau, giữa người với người nữa, gần nhau hơn...
- Trong bản dịch bài thơ “Con tầu nhỏ” của ông để giới thiệu tại liên hoan thơ lần này có câu “Chẳng còn thơ - Thời văn xuôi thay thế / (Mà văn xuôi thì cũng kệch cỡm nửa mùa)”, tứ thơ này có bắt nguồn từ thực tế đời sống văn học Nga không thưa ông?
- Cái này không chỉ của Nga mà của chung thế giới, văn xuôi đã loại trừ thơ ca ra khỏi cuộc sống. Con tàu chỉ là một biểu tượng thôi. Ở Nga bây giờ nhà nước không tài trợ cho văn học nữa, nhuận bút thì rất thấp nên để có tiền sinh sống người viết cần làm những việc khác, tôi cũng thế. Vì vậy, những bản thảo dài hơi, những bản thảo tiểu luận nhiều khi tôi phải gác lại để dành cho một thể loại rất linh hoạt, đó là thơ. Tất nhiên là phải kiếm tiền nhưng khi ý tưởng đến thì tôi vẫn sẵn sàng bỏ qua hết để làm thơ.
- Vậy ông thường nhìn cuộc sống bằng con mắt của người làm thơ hay người làm văn xuôi?
- Tôi nhìn hiện thực bề bộn hàng ngày bằng con mắt của nhà văn. Không thể lẩn trốn hiện thực cuộc đời, nhưng thi thoảng, chỉ cần một tiếng dế bật lên thì thơ vẫn đến, và tôi sẽ trở lại là một nhà thơ.
|
Nguyễn Xuân Thủy thực hiện
Nikolai Vladimirovich Pereiaxlov sinh ngày 12/5/1954 tại Donbaxx, Liên bang Nga. Tốt nghiệp hàm thụ Đại học Văn chương D.M. Gorki ngành Lý luận phê bình. Từng làm thợ mỏ, nhà địa chất, phóng viên báo chí… Là tác giả của 22 tập thơ, văn xuôi, phê bình và thơ dịch. Ông đã công bố tác phẩm trên nhiều báo và tạp chí ngoài nước. Đã được các giải thưởng văn học mang tên Anclrei Platonov, Boris Komilov, Raxul Gamzatov, và giải thưởng lớn văn học nước Nga. |