Đầu 2019, trên một số mạng xã hội, trong đó có WhatsApp, cũng như diễn đàn lan truyền một trào lưu có tên "Thử thách Momo" (Momo Challenge), được cho là có nguồn gốc từ Anh. Cụ thể, một người phụ nữ có hình hài đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi sẽ hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân.
Theo Telegraph, "Thử thách Momo" bị phát hiện chèn bên trong một số video không chính thức, có nội dung lấy lại từ kênh hoạt hình Peppa Pig và game Fortnite từ cuối tháng 2. Điều đáng lo ngại là chúng hướng dẫn cách để một người tự làm hại bản thân, thậm chí tự tử. Nhiều phụ huynh lo lắng chúng sẽ ảnh hưởng đến con em họ, do hình ảnh đáng sợ này xuất hiện trong clip có nội dung trẻ em (chỉ YouTube, không có ở YouTube Kids), lại rất khó kiểm duyệt bởi chỉ xuất hiện thời gian rất ngắn.
Theo Independent, một số trường học tại Anh cảnh báo về trào lưu nguy hiểm trên, như Haslingden hay Newbridge đăng trên Facebook của trường với nội dung khuyến cáo phụ huynh không nên để con em tự xem YouTube một mình để tránh gặp phải "Thử thách Momo". Nhóm chuyên gia an toàn trực tuyến National Online Safety (NOS) cũng công bố thông tin về thử thách kinh dị trên và danh sách những cách để nhân viên nhà trường, phụ huynh bảo vệ con em mình. Một số bài viết cho rằng "Thử thách Momo" đã khiến một số trẻ em tự tử hoặc có hành vi bạo lực. Nó thậm chí được nói là có liên quan tới trào lưu "Cá voi xanh" khiến 130 thiếu niên Nga tự tử.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết chưa có báo cáo nào về hậu quả từ "Thử thách Momo" đối với trẻ nhỏ và đây thực chất chỉ là sự hoang mang được chính người lớn phát tán. "Chúng là tin giả, đã được chỉnh sửa và đăng lên YouTube", đại diện Trung tâm An toàn Internet Anh (SIC) nói với Guardian.
Theo website kiểm tra thực tế Snopes, câu chuyện dường như được "cường điệu hóa nhiều so với thực tế" và kẻ tạo ra nó chủ yếu dùng để "chơi khăm" người khác hoặc với mục đích lan truyền trên Internet. Các bài viết về Momo thu hút hàng trăm nghìn lượt chia sẻ trên Facebook tại Anh, gây hoang mang cho người đọc.
Tổ chức từ thiện Samaritans cho biết, không có bất kỳ bằng chứng xác minh nào cho thấy "Thách thức Momo" liên quan đến việc trẻ tự làm hại mình hoặc tự tử. Hiệp hội quốc gia ngăn ngừa nạn ngược đãi thiếu nhi Anh (NSPCC) nhận được rất ít cuộc gọi thắc mắc về trào lưu trên từ phụ huynh, thay vào đó, chủ yếu lại từ giới truyền thông. Cảnh sát Anh cũng xác nhận chưa có bất kỳ trường hợp trẻ em tự hành hạ bản thân liên quan đến Momo được báo cáo.
Tuy nhiên, hình ảnh kinh dị của Momo vẫn có thể gây đau khổ và ám ảnh cho trẻ em.
Trong khi đó, đại diện Google cho hay, "Thử thách Momo" thuộc nhóm video không được phép xuất hiện trên YouTube: "Chúng tôi chưa nhận được liên kết nào liên quan đến nội dung hiển thị hoặc quảng cáo về 'Thử thách Momo' trên YouTube. Đây là các nội dung vi phạm chính sách người dùng và sẽ bị xóa ngay lập tức sau khi đăng tải".
Andy Robertson, một người làm nội dung YouTube, cho rằng người lớn không nên chia sẻ những cảnh báo gây hoang mang và cường điệu hóa câu chuyện. Thay vào đó, họ nên đưa ra lời khuyên tích cực cho trẻ em, thiết lập công nghệ phù hợp và quan tâm đến tương tác trực tuyến của chúng. "Những lo ngại của người lớn có thể khiến trẻ tò mò và tìm hiểu", Robertson nói.
Theo Sở cảnh sát Bắc Ireland, các phụ huynh cần kiểm soát việc sử dụng Internet của con em, trong đó giới hạn thời gian, cài đặt ứng dụng chuyên dụng, kèm cặp và định hướng nội dung khi có thể. Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là hạn chế cho chúng tiếp xúc với công nghệ số bằng trò chơi và hoạt động thực tế thay vì quá phụ thuộc Internet.
Theo Know Your Meme, Momo là một tác phẩm điêu khắc có tên "Chim mẹ" của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa. Hình ảnh đáng sợ của nó lần đầu xuất hiện vào năm 2016.
Bảo Lâm