Ve đã ngân vang những khúc giao hưởng ngày hè, cây cối khoác trên mình màu áo mới xanh mướt tràn đầy sức sống. Những giọt nắng tưới lên sự vật và không gian một màu vàng óng ánh đến ngọt ngào. Mọi vật thay đổi, duy chỉ có sự ồn ào của Hà Nội vẫn còn nguyên vẹn như vốn có của nó. Tôi bỗng nhớ về quê hương.
Tôi về thăm quê hương cách đây khoảng 7 hay 8 năm, khi tôi mới có 10 tuổi. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh làng quê Trường Xuân - Thanh Oai yên bình ngày hè. Những cánh đồng lúa chín vàng đượm trải dài bát ngát tới tận chân trời, từng hạt thóc vàng trĩu nặng giọt sữa tinh khiết trắng ngần. Màu vàng của cánh đồng lúa chín và màu xanh ngát của bầu trời trộng lớn như giao nhau cuối tận chân trời, tưởng chừng xa nhau vô vàn nhưng lại trở nên gần gũi, quen thuộc.
Trong không gian mênh mông giữa trời và đất, giữa hương thơm thoang thoảng man mác của lúa chín và đồng nội, những cánh chim bay lượn, thỏa sức vẫy vùng không có định hướng. Đâu đó hòa quyện trong không khí là hương thơm của trái xoài ngọt lịm, trái lê thanh mát hay hương ngào ngạt của trái bưởi mọng nước. Điểm trên bức tranh thủy mạc yên bình ấy chẳng thể nào thiếu được hình bóng những ngôi nhà mái ngói cổ kính đã nhuộm màu xanh rêu, màu của mưa nắng và màu của thời gian.
Quê tôi không những yên bình mà ở đó tôi còn có ông nội yêu thương. Nội hay dẫn tôi ra đầu ngõ chơi đùa với lũ trẻ con trong xóm. Mỗi khi chơi ô quan, chơi nhảy bậc, tôi đều quay sang nhìn nội và nội cũng đang nở một nụ cười thật trìu mến với tôi. Nội thấy lũ trẻ chạy theo con trâu bác Hạ dắt ra đồng, thấy tôi cũng hò reo rồi ngân nga đọc bài ca dao “trâu ơi ta bảo trâu này”, nội liền đẩy tôi ra cùng đám bạn đồng lứa.
Nội hay mặc những chiếc áo nâu sờn vải, chiếc quần bộ đội nhạt màu và đi đôi dép cao su đế đã mòn. Đôi dép ấy đã cùng ông dắt tôi đi không biết bao đoạn đường làng ngõ xóm. Tôi còn nhớ bàn tay sạm màu, nhăn nheo nắm lấy bàn tay bé nhỏ dắt tôi đi, bàn tay nội ấm áp vô cùng, luôn cho tôi có cảm giác an toàn và bình yên. Ông đưa tôi đi chào hỏi xóm giềng, dẫn tôi đi xem đình làng có từ bao đời nay. Ông còn cho tôi thấy những người dân vất vả gặt lúa và tuốt lúa. Khi tôi tò mò bên bác Thêm thêu nón, ông cho biết làm nón là một nghề truyền thống có từ bao đời ở quê hương tôi.
Ông dắt tôi đến cánh đồng làng mênh mông lúc hoàng hôn gõ cửa. Ông lặng mình nhìn ngắm hoàng hôn rực rỡ cuối chân trời, còn tôi chỉ biết reo lên vì vui sướng. Nội cúi xuống nhìn tôi, trầm ngâm nói: “cháu gái ông thấy đẹp chứ? Ai rồi cũng bước sang tuổi hoàng hôn những để chạm đến được nó chúng ta phải trải qua cả một quãng đường dài phía trước kia”. Ông chỉ tay về hướng con đường đất từ cánh đồng về phía chân trời xa tít mà chẳng thể thấy điểm đến, rồi nói tiếp: “có những khó khăn và sự cố gắng thì khi chạm đến hoàng hôn ta mới thấy nó đẹp và ý nghĩa cháu gái ạ”. Tôi ngây ngô nhìn nội, có lẽ tôi chỉ hiểu đơn giản rằng con đường đất này sẽ đưa tôi đến nơi đẹp đẽ rực đỏ kia.
Mười bảy tuổi, tôi thật may mắn khi có một quê hương yên bình, thơ mộng. Nơi đó, tôi được chơi những trò dân gian mà có lẽ ít ai đồng trang lứa như tôi được biết đến. Ở tuổi này tôi còn quá bé để có thể thấu hiểu được hết sự đời, nhưng tôi hiểu câu nói ân cần từ ông: “Con người ai cũng sẽ già đi, sẽ trở thành hoàng hôn như chiều hoàng hôn ấy, nhưng để có được một hoàng hôn rựa rỡ như vậy là con đường đời này ta cần đi cho đúng hướng, cần cố gắng mạnh mẽ đứng lên khi ta vấp vã ở đâu đó trên quãng đường ấy. Hay cả những thành công và hạnh phúc thì quan trọng thật sự không phải là kết quả mà là hành trình ta đến được với nó. Cuộc hành trình ấy, con đường ta đi ấy có trải qua, có khó khăn hay vất vả thì khi vượt qua nó ta mới thật sự thấy ý nghĩa và trân trọng những gì ta có hôm nay”.
Nguyễn Minh Hà