Mỗi chúng ta sinh ra và lớn lên đều có một quê hương. Và chẳng ai muốn xa quê. Bởi nơi đó không chỉ là nơi mình sinh ra, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi cất giữ những ký ước tuổi thơ. Mà nơi ấy còn có một gia đình. Có mẹ cha luôn đùm bọc chở che yêu thương ta suốt cuộc đời.
Trên những năm tháng đường đời này đôi khi chúng ta chấp nhận những chuyến đi xa, chịu chấp nhận chia tay những người yêu quý chỉ mong ra đi tìm được cuộc sống tốt hơn để một ngày được trở lại, được đoàn tụ, được sà vào lòng người thân cho thỏa những nhớ nhung trong những năm tháng xa quê. Nhưng ở đời, có những nỗi đau sự bất hạnh ập đến mà chẳng ai có thể ngờ, để rồi sự chia tay trong ngày ra đi xa xứ ấy mãi mãi là sự chia tay vĩnh viễn. Mãi mãi cả cuộc đời này chẳng thể nào gặp lại. Để rồi nỗi đau ấy, sự mất mát ấy luôn luôn mang theo trong suốt cuộc đời. Hắn là kẻ bất hạnh trong những người bất hạnh ấy. Nỗi đau đến với hắn khi vừa tròn 18 tuổi
Mẹ hắn mất khi Út, em gái duy nhất của hắn mới chào đời được một năm. Hắn mới lên 4. Cha hắn làm nghề chạy xe ôm nuôi hai anh em. Dù có nhiều người bảo cha hắn đi bước nữa. Nhưng cha hắn lại sợ câu ca dao có từ "dì ghẻ" nên ở vậy nuôi con. Năm đó cha hắn 36 tuổi. Căn nhà cấp 4 lợp ngói cũ kỹ là nơi ba cha con hắn che mưa che nắng. Học hết lớp 9 hắn xin cha nghỉ học để đi bán vé số với mấy đứa bạn cùng lứa trong tận Sài Gòn. Cha hắn không cho vì nhất định bắt hắn phải học, học để thoát cảnh lao động nghèo. Lần đầu tiên hắn cãi cha, và cũng là lần đầu tiên cha đánh hắn.
Học hết cấp 3, Út cũng vừa bước vào lớp 10. Tuổi tác càng cao kèm theo căn bệnh viêm phổi không được chữa chạy chu đáo nên cha hắn già yếu hơn nhiều. Cũng vào đợt đó, các hãng taxi mọc lên như nấm nên nghề xe ôm đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Hắn quỳ xin cha cho bỏ học đi làm kiếm tiền phụ giúp cha nuôi Út ăn học. Dù không muốn nhưng cha hắn cũng đành lòng vì giờ đây cái ăn còn bữa no bữa đói huống gì nuôi hai đứa học hành. Cũng vào thời gian trên ở quê hắn có phong trào đi Đài Loan, có nhiều người đi về cuộc sống khá giả có tiền xây nhà, mua xe. Hắn xin cha đi. Cha không muốn cho hắn đi vì hắn còn quá trẻ. Nhưng hắn nhất quyết đi, nên cha đành chiều. Để có được số tiền hơn trăm triệu nộp lệ phí, cha hắn phải chạy vạy vay anh em, làng xóm cũng chẳng đủ nên đành lòng đem sổ đỏ lên ngân hàng cầm cố mới đủ số tiền.
Ngày giấy báo bay, hắn vui mừng không gì tả nổi. Hắn nghĩ cuộc đời nghèo đói mấy chục năm của ba cha con hắn rồi cũng sẻ được xóa bỏ. Ngày hắn đi 19h hôm đó tại cổng bến xe, ba cha con ôm nhau. Út thì khóc, mắt cha hắn cũng ướt vì nhớ và lo cho hắn, còn hắn thì cười nhẹ xoa đầu Út. Cha dặn hắn đủ điều. Hắn hứa với cha sẽ cố gắng làm ăn, tiết kiệm tiền gửi về trả nợ cũng như lo cho gia đình. Tạm biệt cha và Út, hắn quay mặt bước đi. Nụ cười nhạt trên môi từ nãy đến giờ không còn nữa. Thay vào đó trên đôi mắt, hai hàng lệ trôi xuống gò má.
Vì mới sang nên hắn chưa có tiền mua sim, mua thẻ điện thoại nên không gọi cho cha được dù mấy hôm nay trong lòng hắn thấy nóng ran. Hắn nghĩ có lẽ do chưa quen nên thế. Ba ngày đất khách trôi qua. Đêm đó thứ 7, hắn nhớ nhà nhớ cha và Út quá nên mạnh dạn mượn điện thoại anh cùng phòng gọi về cho cha. Không thấy cha nghe máy, hắn gọi cho người chị con ông bác, nhà ở sát bên cạnh. Khi hắn hỏi chị về cha, thay vì câu trả lời thì đầu dây bên kia khóc nức nở. Như linh tính có chuyện gì không hay, hắn hối thúc chị nói cho hắn biết. Bên kia điện thoại chị họ kể cho hắn nghe, giọng chùng xuống bị ngắt quãng bởi tiếng nấc: "Chú... chú.... mất rồi em ơi!".
Nói đến đây chị lại khóc lên càng to hơn để hắn bên kia điện thoại với con tim và ruột gan như đang trong đống lửa. Hắn không tin vào tai mình, hắn hỏi đi hỏi lại sao cha hắn mất, và mất khi nào? "Không thể, không thể thế", hắn cứ nhắc đi nhắc lại câu đó. Chị kể cho hắn nghe: "Sau đêm tiễn hắn đi, vì cứu một đứa trẻ trong xóm khỏi chiếc xe công nông mất lái nên mới ra nông nổi này". Hắn hỏi chị sao mọi người không điện cho hắn. Chị bảo với hắn, lúc hấp hối trong phòng cấp cứu ở bệnh viện. Cha đã không cho ai điện vì sợ hắn bỏ về. Nghe đến đây hắn khóc òa lên như một đứa trẻ.
Chưa bao giờ hắn khóc như thế kể cả cái lần năm lớp 9 bị cha đánh. Hắn van la sao ông trời lại đối xử với cha con hắn thế. Cả đời cha vất vả khổ đau nuôi hai anh em hắn, để đến giờ khi hắn biết kiếm tiền cha lại bỏ anh em hắn đi. Hắn nằng nặc đòi bỏ về nhưng chị hắn can ngăn vì cha hắn lúc sắp mất có trăn trối rằng: "Con hãy ở bên đó có gắng làm ăn, thay cha nuôi Út nên người".
Hắn muốn về lắm nhưng hắn không thể làm trái di nguyện cuối cùng của cha. Vả lại nếu hắn về lúc này thì lấy đâu tiền trả nợ, lấy đâu tiền chuộc lại sổ đỏ, lấy đâu tiền nuôi Út nếu như thế dưới suối vàng cha hắn làm sao yên nghỉ. Hắn cắng răng chịu đựng chấp nhận ở lại trong nổi đau tột cùng và sự dày vò lương tâm. Hắn hứa với linh hồn cha sẽ nuôi Út học hành đến nơi đến chốn nên người.
Thế mà cũng đã 2 năm kể từ ngày định mệnh ấy. Hai năm, hắn sống trong nỗi đau mà khó ai hiểu hết. Hai năm hắn sống cuộc sống đầy nước mắt và cả sự chịu đựng. Ngoài giờ làm hắn chỉ biết làm bạn với sự cô đơn. Hắn đếm ngược thời gian ngày trở về. Hôm nay, hắn đang ngồi trong phòng chờ nơi phi trường. Chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa thôi, phi cơ sẽ đưa hắn trở về quê hương, về bên cha. Hắn sẽ qùy trước mộ cha, kể cho cha nghe cuộc sống của hắn trong hai năm qua và mong cha tha lỗi cho đứa con bất hiếu.
Thành Đặng
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com