Con gái ông Thành, chị Đặng Thị Thanh Huyền (38 tuổi) phát bệnh tâm thần năm 15 tuổi. Hơn chục năm trước, vừa đẻ con đầu lòng được ba tháng, chị bị trầm cảm sau sinh, thường xuyên đập phá đồ đạc, hay bỏ đi lang thang. Ông Thành gửi cháu nhờ thông gia chăm sóc, đưa con đi chữa trị.
Thời gian đầu, chị Huyền đến bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 ở Biên Hòa (Đồng Nai) điều trị nhưng tình hình không cải thiện. Tốn nhiều tiền của, thời gian nhưng không đỡ ông đành nhốt con gái trong phòng, thi thoảng đưa ra ngoài cho khuây khỏa. Nhưng không ít lần chị Huyền trốn được ra ngoài, đi lạc xuống Cà Mau, Cần Thơ, Vũng Tàu, Bình Phước. Mỗi lần như vậy gia đình lại tỏa đi tìm cả tháng.
"Ngày trước còn tỉnh táo, tôi dạy con học thuộc số máy điện thoại bàn, nếu đi lạc thì nhờ người gọi về. Nhưng nay đổi số di động, dạy mãi không nhớ nên cứ đi là biệt vô âm tín, lần nào cũng tìm con trong vô vọng", người đàn ông 62 tuổi ở Long An kể.
Ông Thành xót xa khi phải in mực lên cơ thể con gái. Trước đây làm bảng tên đeo cổ hay dán thông tin lên quần áo đều bị cô xé rách. Đây là giải pháp cuối cùng của gia đình vì hình xăm sẽ như một tấm thẻ bài sống, lỡ con đi lạc đã có số điện thoại gọi bố mẹ đến đón.
Anh Đức Khoa (40 tuổi) ở TP HCM cũng đưa con trai Minh Huy (17 tuổi) đi xăm số điện thoại của bố mẹ lên cánh tay hồi giữa tháng 6.
"Tôi mong hình xăm sẽ ngầm ám chỉ con có biểu hiện bất thường về thần kinh, lỡ đi ra ngoài cũng không bị đánh đập hoặc khi phát bệnh đã sẵn số điện thoại báo về", anh Khoa nói.
Người bố kể lúc mới sinh con trai hoàn toàn bình thường nhưng lần ngã cầu thang năm một tuổi khiến não bộ bị ảnh hưởng, đứa trẻ không tự chủ được hành vi, thường xuyên lên cơn. Gia đình có đưa con đến trường chuyên biệt để học, nhưng hai năm trước phải đón về do quá tuổi, các trung tâm khác không nhận chăm sóc.
Sợ con nghịch ngợm, quấy phá hàng xóm hay trốn ra ngoài không biết đường về, vợ chồng anh Khoa luân phiên trông coi, cổng nhà luôn đóng chặt. Nhưng không ít lần đang làm việc anh nhận tin báo "Minh Huy bỏ nhà đi", lại vội vã tìm.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (thợ xăm cho Minh Huy) cho biết đây không phải lần đầu xăm hình cho người nhận thức kém hoặc bệnh tâm thần. Trước đó, anh từng thực hiện hơn chục trường hợp, phần lớn trên 20 tuổi, được bố mẹ dẫn đến xăm tên, địa chỉ nhà và số điện thoại lên tay hoặc vị trí dễ nhìn trên cơ thể. Số khách hàng đến xăm kiểu này có xu hướng nhiều lên thời gian qua. "Có thể vì các gia đình mới biết đến giải pháp xăm thông tin lên cơ thể", Tuấn nói.
Không riêng anh Tuấn, nhiều tiệm xăm tại các tỉnh, thành phố lớn cũng từng làm nhiều ca tương tự.
"Nhiều khách hàng tâm sự nhờ có hình xăm mà gia đình vơi bớt nỗi lo con đi lạc không tìm thấy đường về. Bởi vậy mà mỗi hình xăm dù đơn giản nhưng với tôi đều đẹp và ý nghĩa khi giúp được nhiều người", anh Tuấn nói.
Trong một hội thảo về sức khỏe tâm thần mới đây, đại diện Bộ Y tế cho biết, khoảng 15% dân số Việt Nam (13,5 triệu người) mắc các bệnh về rối loạn tâm thần, nhưng 70-80% trong số đó chưa được phát hiện, điều trị. Những bệnh nhân này vừa là gánh nặng cho các gia đình, một số người bệnh nặng có thể là nguy cơ gây mất an toàn đối với xã hội.
Để giảm những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, khuyên các gia đình thường xuyên đưa bệnh nhân đi thăm khám, sử dụng thuốc chuyên dụng, làm bảng tên, gắn các thiết bị định vị lên người để tiện theo dõi.
"Tuy nhiên xăm hình là việc không nên khuyến khích bởi bố mẹ cần tôn trọng quyền riêng tư của con. Chưa kể hình xăm đó sẽ theo đứa trẻ cả đời", ông Lâm nhấn mạnh.
Nhưng tiến sĩ Vũ Thu Hương lại cho rằng chính những người bị bệnh tâm thần đã mất nhận thức và dễ vứt bỏ mọi đồ đeo trên người. Do vậy, xăm hình có thể là giải pháp tốt nhất, ít gây hậu quả với chính bản thân người bệnh và xã hội.
Bà Hương phân tích, các phụ huynh này buộc phải lựa chọn giữa việc con có thể gặp nguy hiểm nếu chạy ra ngoài mà không có thông tin của người thân; nhốt vào cũi hoặc xích chân trong nhà dễ tạo thêm sự ức chế trong tâm lý; hoặc chấp nhận để con chịu đau đớn trong thời gian xăm hình nhưng tăng khả năng an toàn cho đứa trẻ lên vài chục phần trăm. Trong hoàn cảnh này, tâm lý chung sẽ chọn xăm hình.
Bên cạnh đó, chuyên gia cũng nêu ra thực trạng, xã hội hiện có nhiều trung tâm bảo trợ, bệnh viện tâm thần nhưng các phụ huynh vẫn e dè, ngại đưa con vào. Ngoài lý do kinh tế khó khăn, có thể nhiều gia đình sợ người thân không được chăm sóc tốt, thậm chí bị bạo hành.
Lý do này đúng với gia đình bà Hương An (60 tuổi) ở Nghệ An, có con trai 35 tuổi bị tâm thần sau tai nạn giao thông cách đây 10 năm. Bà kể mỗi lúc tỉnh con vẫn nhận ra mọi người nhưng khi phát bệnh sẽ la hét, đập phá đồ đạc và bỏ đi lang thang. Không ít lần bà tìm được con trai đi lạc cách nhà cả chục km trong tình trạng mặt mũi lấm lem, người bầm tím, tay chân bị người ta trói chặt bởi quậy phá.
Nhiều lần định cho con vào viện tâm thần, nhưng đứng cả tiếng trước cổng bệnh viện người phụ nữ lại đi về, phần bởi kinh tế khó khăn, phần lo con không được chăm sóc đầy đủ như ở nhà.
Cuối năm ngoái, bà An bàn với chồng xăm địa chỉ nhà cùng số điện thoại của bố mẹ lên tay con thay lời cảnh báo, theo gợi ý của bạn bè. "Tôi chỉ mong khi thấy hình xăm trên cánh tay cháu, mọi người sẽ gọi báo gia đình, đừng đánh cháu mà tội nghiệp", bà An nói.
Tuy nhiên, chuyên gia Vũ Thu Hương cũng khuyến cáo các phụ huynh trước khi xăm hình cho con cần cân nhắc kỹ lưỡng về nội dung, nhất là số điện thoại, địa chỉ nhà cần phải chính xác, không được thay đổi. "Hình xăm không giống vết mực trên giấy không thích thì xóa, đặc biệt chúng còn gắn đến an toàn của trẻ nhỏ, nên mọi thứ cần phải chính xác, lâu dài", bà Hương nói.
Từ ngày xăm số điện thoại lên cánh tay con, anh Khoa an tâm hơn khi đi làm bởi biết Minh Huy lỡ đi lạc vẫn có người báo về. "Trước đây tôi luôn sống trong nỗi lo mất con bởi nghĩ thành phố rộng lớn thế này đâu phải lần nào con bỏ đi cũng may mắn tìm được", anh chia sẻ.
Quỳnh Nguyễn
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi.