Ngày 11/9, anh Hoàng Công Viễn, 46 tuổi, ở Nam Trực, Nam Định đưa con trai Hoàng Công Vinh, 15 tuổi đến tiệm xăm hình, với hy vọng vết xăm không xóa được, con đi đâu lạc cũng dễ tìm về. Câu chuyện của anh được ông chủ tiệm xăm đưa lên mạng, nhận nhiều ý kiến trái chiều.
"Có bình luận bảo 'người chứ có phải con gì đâu mà đeo số', vợ chồng tôi đọc được mà buồn, mất ngủ mấy ngày. Đau lắm, tôi mới phải quyết định như vậy", anh Viễn bộc bạch.
Hoàng Công Vinh, cậu con trai út của vợ chồng anh Viễn từ nhỏ trí não đã không bình thường, trở thành nỗi lo thường trực của bố mẹ. Năm 2009, vợ chồng anh lên trung tâm bảo trợ trẻ em, định gửi Vinh vào. Nhưng đứng chôn chân ở cổng cả tiếng, họ lại quay về vì không nỡ xa con.
Vinh "ngồi" học được hết lớp 5, nhưng không biết viết, biết đọc. "Có lúc ở trường, con bị bạn lớp dưới bắt nạt, nhưng có lúc phá phách, xô ngã bạn bè. Vợ chồng tôi không ít lần phải đến tận nhà các cháu xin lỗi", anh nói.
Thương con phải nghỉ học sớm, anh Viễn mua sách vở về tự dạy, nhưng Vinh học trước quên sau, xé hết sách vở, bố mẹ đành bỏ cuộc.
Con nghỉ học, chị Lan, vợ anh Viễn cũng chỉ quanh quẩn ở nhà, làm ruộng, làm vườn để có thời gian trông, hỗ trợ con ăn uống, vệ sinh. Ngôi nhà lúc nào cũng "kín cổng cao tường", đề phòng Vinh nghịch ngợm, quấy phá hàng xóm. Chỉ buổi chiều, khi rảnh tay, chị Lan mới cho con ra ngoài chơi cho khuây khỏa.
Hai tháng nay, chị Lan hay than thở với chồng: "Thằng Cò (tên ở nhà của Vinh) dạo này đang đêm cũng dậy la hét, đập phá đồ đạc". Đi làm cách nhà 100 km, anh Viễn chỉ biết động viên vợ cố gắng.
Ngày 7/9, anh đang xách vữa thì nhận được điện thoại của vợ thông báo con trai ôm quần áo đi "mất tích". May sao, có hàng xóm thấy Vinh thất thểu ngoài đường, cách nhà 2 km nên dẫn về. Hỏi đi đâu, Vinh bảo "tớ đi kiếm việc làm".
Lo lắng, ba giờ sáng, anh Viễn chạy xe máy về quê, rồi lại đèo con lên Hà Nội khám bệnh.
Vào viện, ông bố xếp hàng đợi lấy sổ khám, dặn con trai "ngồi ngoan một chỗ", nhưng quay lại đã không thấy Vinh đâu. Khi tìm lại được, vợ chồng anh bàn bạc, quyết định xăm thông tin cá nhân lên hai cánh tay con, không sợ thất lạc như đeo vòng hay viết chữ. Xăm to để mùa đông mặc quần áo vẫn dễ nhìn thấy.
"Hai ngày liên tiếp tôi suýt mất con. Ai từng trải qua cảm giác đó mới hiểu tôi lo lắng thế nào. Phải đi đến quyết định này, vợ chồng tôi cũng đau lòng lắm", anh tâm sự.
Bà Lê Thị Ngần, chủ tịch hội Nông dân xã và cũng là hàng xóm của anh Viễn, cho biết vợ chồng anh thương con hết lòng.
Phạm Nga