Hai tuần trước khi Nga phát động chiến sự, Viktor Lesyk chuyển từ thành phố Lviv, miền tây Ukraine, đến Krakow, Ba Lan, để làm việc.
Khi chiến sự nổ ra, chuyên gia công nghệ thông tin 25 tuổi đã cân nhắc việc trở lại quê hương để nhập ngũ, tham gia nỗ lực đẩy lùi lực lượng Nga. Nhưng cuối cùng, anh quyết định ở lại nước ngoài vì không biết mình có thể đóng góp gì cho quân đội Ukraine.
"Có lẽ tôi không đủ sức mạnh", Lesyk nói, một năm rưỡi sau khi xung đột bùng phát.
Trong những ngày đầu chiến sự, hàng chục nghìn thanh niên Ukraine đã đăng ký nhập ngũ, tham gia bảo vệ đất nước, nhiều người ở nước ngoài cũng hồi hương để cùng chung tay chiến đấu. Nhưng cũng có những người khác theo dõi cuộc xung đột từ xa, vì lo sợ bạo lực hay vì ngại phải từ bỏ cuộc sống đã ổn định ở nước ngoài.
Giờ đây, khi tiền tuyến cần bổ sung lực lượng chiến đấu và Ukraine đang tìm cách tái thiết, mối chia rẽ giữa những người ở lại và những người không nhập ngũ ngày càng trở nên sâu sắc, có nguy cơ đe dọa quá trình phục hồi lâu dài của đất nước.
Lệnh thiết quân luật của Ukraine cấm hầu hết đàn ông từ 18 đến 60 tuổi rời đất nước và một bộ luật đã được đưa ra nhằm giúp quân đội có thể triệu tập nam giới trong độ tuổi chiến đấu vào bất kỳ lúc nào.
Lesyk cho hay những bạn bè trong quân ngũ đã cắt liên lạc với anh. Khi một bạn nữ mất người thân trong trận chiến, cô trở nên thù địch với anh. Điều đó khiến Lesyk phải suy nghĩ "tại sao mình không ở đó, tại sao những người khác lại phải chiến đấu thay phần mình?".
Nhưng bất chấp cảm giác tội lỗi gặm nhấm, Lesyk vẫn dự định tiếp tục ở lại Ba Lan, miễn là còn cơ hội việc làm.
Khi xung đột kéo dài, Ukraine có thể phải đối mặt nguy cơ mất đi một thế hệ tài năng, những người đã ra nước ngoài tìm cuộc sống mới.
Đằng sau mỗi quyết định tránh quân dịch là những tính toán phức tạp dựa trên quá khứ, hoàn cảnh gia đình, cảm xúc, cơ hội và tham vọng cá nhân, khiến cho những lời kêu gọi họ quay trở về nước khó trở thành hiện thực. Thiếu đi nguồn lực này có thể làm suy yếu khả năng tái thiết của Ukraine sau chiến tranh.
Những người đàn ông Ukraine ở nước ngoài cho hay họ liên tục phải đối mặt với nỗi giằng xé giữa tham vọng cá nhân và nghĩa vụ đối với đất nước. Họ biết về nước có thể đồng nghĩa với việc phải tòng quân, nhưng nhận thức được rằng việc họ trở về cũng sẽ nâng cao quân số ở mặt trận và tinh thần của quốc gia, vốn đang bị lung lay phần nào khi chiến sự đã bước sang tháng thứ 20.
Những giằng xé như vậy gây tổn hại không nhỏ về mặt tâm lý với họ.
"Tôi bị khủng hoảng tinh thần khi thực sự muốn quay trở về và tôi đang nghĩ đến việc tình nguyện công tác trong một cơ quan y tế", Anatoly Nezgoduk, 20 tuổi, nam sinh viên đang học ở Mỹ và có kế hoạch làm việc tại Canada, nói.
Cha Nezgoduk, người từng phục vụ trong quân đội, đã thuyết phục anh không quay trở lại Ukraine trong những ngày đầu chiến sự vì anh thiếu kinh nghiệm sống. "Đôi khi tôi cảm thấy như mình đang ở không đúng chỗ", anh cho biết.
Nhà tâm lý học lâm sàng Sofiya Terlez cho hay nỗi dằn vặt, cảm giác tội lỗi, nỗi đau chia cắt với những người thân yêu khiến nhiều thanh niên Ukraine ở nước ngoài "mất niềm vui sống".
Serhiy Ikonnikov, 24 tuổi, đã ký hợp đồng phục vụ ba năm với quân đội Ukraine sau khi bạn anh thiệt mạng trong một trận chiến. Ikonnikov vẫn nói chuyện với những người bạn Ukraine ở nước ngoài và hiểu lựa chọn không quay trở lại của họ. "Rất ít người muốn mạo hiểm mạng sống của mình", anh cho biết.
"Nhưng thực tế là những binh sĩ ở trên tiền tuyến đang mệt mỏi và cần người thay thế để họ có thể nghỉ ngơi và hồi phục", anh nói thêm. "Nếu không, quân đội sẽ yếu đi và khả năng chiến thắng của chúng ta sẽ suy giảm".
Việc một số nam giới Ukraine rời khỏi đất nước giữa xung đột đã gây phẫn nộ trong số những người ở lại, khi họ phải đương đầu với những đòn tấn công ngày càng dữ dội từ phía Nga.
Borys Khmelevskiy và một người bạn thân đã tham gia phong trào biểu tình năm 2014 nhằm lật đổ tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. Khmelevskiy cho biết vào thời điểm đó, họ có chung tầm nhìn về đất nước và người bạn hứa sẽ ở lại chiến đấu nếu Nga tấn công. Nhưng khi xung đột nổ ra, bạn của anh đã ra nước ngoài.
"Nếu ai đó nói về cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ của Ukraine như một giá trị cơ bản nhưng lại bỏ trốn ngay thời điểm nó bị thử thách thì đó không phải những giá trị của họ", Khmelevskiy cho hay, thêm rằng anh chưa trò chuyện trở lại với người bạn kia suốt hơn một năm qua.
Pavel Pimkin, 21 tuổi, sinh viên Ukraine ở Anh, cho biết anh đã gặp những nam giới đồng hương mới đến nước này gần đây tại các sự kiện của cộng đồng hải ngoại. "Họ nhận được nhiều câu hỏi, không phải tại sao họ lại ở đây mà là bằng cách nào", Pimkin nói.
Một quân nhân khác, Andrii Kulibaba, 28 tuổi, cho biết ngay từ đầu cuộc xung đột, nhiều người quen đã nhờ anh chỉ cách trốn ra nước ngoài, nhưng anh từ chối. Kulibaba nhấn mạnh nam giới Ukraine nên sẵn sàng thay thế những người phải rời mặt trận. "Bạn không thể nói 'tôi không biết phải làm thế nào, tôi không sinh ra để chiến đấu'".
Andrii Bilovusiak, 22 tuổi, đã bỏ học phần quân sự trong chương trình đại học của mình, điều lẽ ra khiến anh trở thành sĩ quan dự bị, để đi học thạc sĩ hành chính công tại Anh.
Từng làm việc trong lĩnh vực chính sách và tư vấn, Bilovusiak cho rằng tấm bằng này sẽ khiến anh trở nên hữu ích với Ukraine trong giai đoạn tái thiết, hơn là trở về để tham chiến trong bối cảnh hiện nay. Anh không có kế hoạch về nước trước năm 2025.
Kulibaba nhận định những người đợi cho đến khi chiến sự kết thúc mới quay trở lại xây dựng đất nước có thể phải đối mặt với chỉ trích gay gắt. "Mọi người có quyền như nhau. Nhưng vấn đề ở đây là những người này đã không bảo vệ đất nước", anh nói.
Vũ Hoàng (Theo WSJ)