Một lần, người này đến nhà Reyes chơi, thấy trong nhà không có ai, anh ta bắt đầu có những hành vi ghê tởm với cậu bé. Khi đó, Reyes còn quá nhỏ để nhận thức được những gì xảy ra với mình. "Tôi cảm thấy bị tổn thương và đã tự trách mình trong suốt thời gian dài. Tôi chưa từng kể với mẹ và không dám nói với ai. Tôi sợ họ sẽ bỏ rơi tôi", người đàn ông 44 tuổi nói.
Reyes từng sống trong một gia đình không hạnh phúc. Cha anh làm nghề đi biển và chỉ về nhà 2-3 tháng một năm. Ông là một người xa cách và cộc cằn với vợ con. "Khi ở nhà, cha cũng hiếm khi lên tiếng. Dù sao thì chúng tôi cũng không thích sự hiện diện của ông. Ông luôn to tiếng và đánh đập con cái", Reyes nói.
Khi thấy đứa con nào có hành động không vừa mắt, ông rút dây thắt lưng rồi quất chúng bằng đầu khóa kim loại. "Tôi nhớ mình đã run lên vì cơn đau", Reyes kể. Trải nghiệm tồi tệ ở thời thơ ấu về bạo lực gia đình, bị lạm dụng đã khiến Reyes mắc chứng nghiện tình dục và tự hủy hoại bản thân khi trưởng thành.
Đó là câu chuyện tương tự với hàng triệu cậu bé ở Philippines.
Theo một nghiên cứu toàn quốc về bạo lực trẻ em, cứ 4 đứa trẻ ở Philippines thì có một em bị lạm dụng tình dục. Tỷ lệ ở bé trai (28,8%) cao hơn bé gái (20%). Các nhà hoạt động vì quyền trẻ em cho rằng đây chưa phải là con số thực tế.
"Thật đáng buồn vì nhiều nạn nhân không thể xác định được liệu mình có bị lạm dụng hay không. Họ cảm thấy có điều gì đó không ổn, nhưng trong tâm trí, họ nghĩ đó là chuyện không quá to tát", giáo sư Zenaida Rosales, giám đốc điều hành Trung tâm phòng chống và điều trị lạm dụng tình dục trẻ em, cho biết.
Điều này xảy ra là do sự hạn chế trong nhận thức các vấn đề về giới. Khi Rosales nói chuyện với một số phụ huynh về việc con trai họ bị lạm dụng. Họ tránh né và dửng dưng nói: "Đừng bận tâm. Chúng là con trai và chúng sẽ không mang thai đâu".
Theo Rosales, nếu các cậu bé đề cập đến vấn đề này với ai đó, chúng thường nhận được câu trả lời: "Quên chuyện đó đi" hoặc có người sẽ khuyên là "Hãy cảm thấy may mắn vì là con trai". Không nhận được sự thông cảm hoặc chia sẻ của người lớn, cảm giác xấu hổ khi nói ra và bị phản đối có thể khiến nạn nhân trở nên sống mặc cảm hơn. Rất nhiều đứa trẻ bị lạm dụng cho rằng sự lựa chọn duy nhất của chúng là im lặng.
Đối với những bé trai từng đối mặt lạm dụng tình dục và bạo lực gia đình, chặng đường trưởng thành không dễ dàng. Họ luôn cảm thấy đơn độc, không tìm được nơi an toàn để vượt qua tình trạng hiện tại. Nhiều trường hợp không tìm được chỗ nương tựa từ gia đình trong khi một số khác dùng chất kích thích và thậm chí tự tử.
"Văn hóa của chúng tôi nói rằng là con trai phải mạnh mẽ, biết bảo vệ bản thân mọi lúc. Bạn là người hùng chứ không phải để được giải cứu", Rosales nói.
Ở Philippines, các chuẩn mực, truyền thống và kỳ vọng về đấng nam nhi đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, ví dụ như đàn ông là trụ cột gia đình, người bảo vệ tổ ấm; phụ nữ là người nội trợ, cần được che chở hoặc nam giới không cần bảo vệ, họ phải tự mình đứng vững.
Tư tưởng này khiến mọi người bỏ qua chuyện chăm sóc các bé trai và mở rộng luật pháp để bảo vệ nhóm này. Chẳng hạn, tội danh hiếp dâm chỉ áp dụng khi nạn nhân là trẻ em gái và phụ nữ. Đối với trẻ em trai và đàn ông, hành vi này được coi là tấn công tình dục. Tội phạm hiếp dâm phải chịu án tử hình nhưng tội tấn công tình dục chỉ bị phạt 6-12 năm tù.
"Nếu muốn giảm thiểu tỷ lệ trẻ em trai bị lạm dụng, chúng ta phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ", Rosales nhấn mạnh.
Sống trong ám ảnh từ thời thơ ấu, Reyes phải tìm đến bác sĩ trị liệu để vượt qua cơn hoảng loạn. "Nó có giảm bớt nhưng liệu pháp không thực sự giải quyết được vấn đề", Reyes chia sẻ.
Sau một thời gian, Reyes quyết định chia sẻ câu chuyện của mình để giúp đỡ những nạn nhân khác. Giống như anh, họ cũng từng phải vật lộn với việc bị lạm dụng và xa lánh. Không ít người đã tự kết liễu đời mình vì gia đình không chấp nhận họ.
Hoàng Phong (Theo Strait Times)