Ông Oánh vừa tham dự một phiên tòa xét xử vụ hiếp dâm xảy ra ở Củ Chi. Thái độ của nạn nhân khiến ông rất ấn tượng. Việc xảy ra khi C., 12 tuổi, ở nhà một mình với anh rể, những người khác trong nhà đi làm đồng. Mặc dù bị tấn công bất ngờ, sức yếu hơn nhưng C. vùng vẫy quyết liệt, đẩy được gã anh rể ra và chạy khỏi nhà kêu cứu. Nhưng do những nhà hàng xóm bên cạnh cũng không có ai ở nhà, C. lại bị gã đuổi kịp và tiếp tục tấn công. Trong lúc bí, cô bé nhanh trí nói sẽ không chống cự nữa nếu anh ta chấp nhận vào trong nhà, tránh để mọi người khỏi nhìn thấy. Tin lời cô, gã anh rể đứng dậy. Lợi dụng lúc đó, C. lấy hết sức chạy đến nhà hàng xóm xin cứu giúp. Còn gã anh rể bị truy tố trước tòa và lãnh án 8 năm tù.
Theo các nhà xã hội, nguyên nhân khiến trẻ em trở thành nạn nhân của những vụ hiếp dâm là do người lớn, nhất là cha mẹ không dạy cho con trẻ biết cách tự bảo vệ. Các em không biết, điều thủ phạm đang làm là xằng bậy, hoặc do xấu hổ, không dám kêu to. Có một điều nghịch lý là lẽ ra phải giận dữ với thủ phạm thì nhiều bậc cha mẹ lại trút giận dữ đó lên đầu đứa trẻ khiến các em bị mặc cảm nặng nề, không dám hé môi.
Nhiều tổ chức xã hội đang có những chương trình nhằm tác động đến phụ huynh và dạy cho trẻ cách thức để tự bảo vệ. Tuy nhiên, ở một số nơi, giáo viên lại thích dùng những từ khó hiểu, cao siêu so với trình độ hiểu biết của các em như "xâm hại tình dục", "xúc phạm thân thể"... Kinh nghiệm của một số cộng tác viên đã làm việc với các em cho thấy, cần phải nói với trẻ những điều cụ thể, dễ hiểu như: không cho người lạ đụng vào người, không đi đâu với người lạ... Tùy độ tuổi, mức độ hiểu biết, tình huống mà hướng dẫn các em cách phòng tránh.
(Theo Tuổi Trẻ, 7/6)