Cứ khoảng 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì một trường có học sinh đánh nhau.
Covid xảy ra, trẻ phải học online. Khi trẻ trở lại trường, bạo lực học đường bùng phát ở nhiều nơi trên cả nước.
Tháng 2/2022, tại THCS Đồng Khởi, TP HCM một nữ sinh lớp 7 bị nhóm bạn đánh hội đồng tại khu vực nhà vệ sinh của trường.
Ngày 17/3, một nhóm bốn nữ sinh đánh hai em nhập viện tại xã Tú Sơn, Kiến Thụy, Hải Phòng. Ngày 25/3, tại THPT Phan Bội Châu (Hải Dương) một nam sinh lớp 12 dùng dao đâm trọng thương một học trò lớp 10. Ngày 29/3 tại THPT Hương Trà, Huế, một nữ sinh bị bạn học đánh chấn thương não.
Hồi tháng 4, một nữ sinh lớp 8 THCS Hà Thành, Hà Nội, bị bạn học đánh hội đồng trước cổng trường. Cùng tháng, một video quay cảnh hai nữ sinh lớp 8 ở Quảng Trị vây đánh một nữ sinh lớp 7.
Sang tháng 5, tại THCS Chi Lăng, Khánh Hòa, một nữ sinh lớp 7 bị bạn học đánh đập dã man rồi đăng tải video lên mạng xã hội.
Gần đây nhất là vụ ẩu đả tại Trường Quốc tế TP HCM American Academy, gây ra cuộc tranh luận ồn ào trên mạng xã hội.
Tôi từng được mời tham gia nhiều tọa đàm về việc làm sao để ngăn chặn bạo lực học đường, làm sao để giáo dục con trẻ tránh các hành vi bạo lực. Hầu hết các cuộc tọa đàm chỉ dừng lại ở những tiết ngoại khóa theo chủ đề. Tức là nó chỉ được tổ chức vài lần mỗi năm, một năm vài chủ đề, loanh quanh từ giáo dục giới tính đến bạo lực học đường... Kết thúc ai về lớp đó. Có trường cẩn thận hơn, yêu cầu học sinh ký cam kết không tham gia các hoạt động bạo lực, nhưng gần như chỉ mang tính hình thức. Bạo lực học đường vẫn diễn ra. Hình thức xử lý phổ biến sau sự việc là thăm hỏi nạn nhân và buộc thôi học những em gây ra bạo lực. Như vậy, cả người đánh lẫn nạn nhân đều bị bỏ lại sau cuộc ẩu đả.
Nhiều trường thậm chí chỉ quan tâm đến việc làm thế nào để bạo lực không xảy ra trong khuôn viên nhà trường. Muốn đánh nhau, hãy ra ngoài đường. Nhưng nhớ đừng mặc đồng phục của trường khi đánh nhau. Vì vậy mà trong cuộc trò chuyện với tôi, nhiều phụ huynh cho biết họ cho con học võ để tự vệ. Có phụ huynh còn khoe, từ ngày con anh học võ, lũ bạn không dám bắt nạt nữa. Nhưng bạo lực có giải quyết được bằng bạo lực? Cách mà phụ huynh tự lo liệu bằng việc cho con học võ dường như chỉ cung cấp "vũ khí" cho con tham chiến và chiến thắng chứ không giúp con tránh xa bạo lực.
Chúng ta có thể ngăn chặn bạo lực học đường không? Tình trạng này diễn ra khắp nơi trên thế giới và chưa bao giờ thực sự chấm dứt. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng lại tam giác Nhà trường - Phụ huynh - Xã hội là điều quan trọng. Một tam giác phối hợp chứ không phải đổ lỗi cho nhau.
Tôi nghĩ về Sách trắng, một cuốn sách về bạo lực học đường mà nhà trường chính là chủ biên. Phụ huynh tham gia đồng hành và lũ trẻ là đối tượng được quan tâm. Nhà trường không thể chỉ được đo qua thành tích học tập mà còn phải qua năng lực giáo dục con người. Trong đó, giáo dục phòng tránh bạo lực là quan trọng. Thống kê của Bộ Công an cho biết: Mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia, tội phạm giết người trong độ tuổi 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Bây giờ, nhóm tuổi này giảm xuống còn 34%. Độ tuổi phạm tội 18 đến dưới 30 cao hơn, lên tới 41%; và độ tuổi 14 đến dưới 18 chiếm đến 17%. Tội phạm đang ngày càng được trẻ hóa.
Sách trắng về bạo lực học đường không chỉ là những quy định xử lý hành vi bạo lực mà còn cung cấp nhận thức đơn giản, dễ hiểu nhất về thế nào là bạo lực học đường, tại sao không nên và không được làm điều đó. Bên cạnh hình phạt, cần hướng dẫn trẻ cách giải quyết mâu thuẫn mà không dùng đến nắm đấm. Trừng phạt một đứa trẻ rất dễ nhưng làm sao để đứa trẻ đó nhận ra lỗi của mình mới là điều quan trọng.
Trẻ cũng cần được cung cấp những kênh tiếp nhận thông tin cả ẩn danh lẫn chính danh. Làm gì khi thấy bạn bè hoặc bản thân bị bạo lực học đường. Sức mạnh của kênh thông tin đó được xây dựng từ việc chúng được giải quyết ngay, với sự vào cuộc kịp thời nhằm ngăn ngừa từ xa chứ không phải để xảy ra sự việc rồi mới giải quyết. Những đứa trẻ lỡ tay đánh bạn cũng cần được bảo vệ thay vì bị tống vào trường giáo dưỡng. Bởi hầu hết những đứa trẻ đánh bạn đều là nạn nhân của bạo lực. Chúng cần được sửa sai thay vì bỏ lại.
Sách trắng cũng cần các phụ huynh vào cuộc; không chỉ bằng việc ký cam kết giáo dục con em không tham gia bạo lực học đường mà còn kết nối với nhà trường, đồng hành cùng nhà trường. Tôi vẫn luôn mong các phụ huynh thiết lập được kết nối nhiều hơn với trường để con đường từ nhà đến trường của con trở nên hào hứng, an toàn. Nhà trường và phụ huynh mất kết nối, đổ lỗi cho nhau, lũ trẻ sẽ mất an toàn ngay trên con đường từ nhà đến trường và ngược lại.
Và cuối cùng, về mặt xã hội, người lớn dường như đang vô tình cổ súy cho bạo lực khi phát tán video clip đánh ghen, xô xát vì tai nạn giao thông... Loại bỏ bạo lực ra khỏi cuộc sống của chính chúng ta cũng là cách giúp con cái trưởng thành một cách trong lành hơn.
Tôi biết là rất khó khi mà nhà trường gặp áp lực thành tích, cha mẹ phải lo mưu sinh và xã hội thì ai làm việc nấy, con ai người đó chịu. Nhưng một đứa trẻ vốn được nuôi lớn lên không phải chỉ bằng điểm số hay cơm ăn nước uống.
Hoàng Anh Tú