Dự luật được chính phủ Đức thông qua ngày 16/8 sẽ cho phép người trưởng thành sở hữu tối đa 25 gram cần sa và được trồng tối đa ba cây cần sa để sử dụng cá nhân.
Người dân Đức cũng được phép tham gia các nhóm cần sa phi lợi nhuận, tối đa 500 thành viên, nơi loại cây này được trồng và mua hợp pháp. Họ sẽ không được hút cần sa tại các câu lạc bộ hoặc khu vực lân cận trường học, nhà trẻ, sân chơi, sân thể thao.
Dự luật này vẫn cần được các nghị sĩ Đức thông qua. Quốc hội Đức sẽ họp trở lại sau kỳ nghỉ hè vào ngày 4/9.
Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach gọi dự luật là "bước ngoặt" trong thái độ của nước này đối với cần sa. Ông Lauterbach cho rằng cách tiếp cận cởi mở hơn sẽ giúp giải quyết thị trường chợ đen và các tội phạm liên quan ma túy, từ đó giảm bớt gánh nặng cho cơ quan thực thi pháp luật và cho phép tiêu thụ cần sa an toàn hơn.
Theo Bộ Y tế Đức, số thanh niên 18-25 tuổi sử dụng cần sa ít nhất một lần vào năm 2021 đã tăng gần gấp đôi so với thập kỷ trước, lên 25%.
Bộ trưởng Y tế Đức nhấn mạnh trẻ vị thành niên vẫn bị cấm sử dụng cần sa và chính phủ sẽ khởi động chiến dịch cảnh báo về những rủi ro của cần sa với lứa tuổi này. "Khái niệm mà chúng tôi đưa ra là hợp pháp hóa cần sa một cách có kiểm soát. Chúng tôi muốn hạn chế mức tiêu thụ và khiến loại chất này an toàn hơn", ông Lauterbach nói.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách theo phe bảo thủ phản đối gay gắt đề xuất này, cảnh báo rằng nó khuyến khích sử dụng cần sa và giới chức sẽ chịu gánh nặng lớn hơn.
"Dự luật này sẽ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát hoàn toàn", Armin Schuster, quan chức bang Sachsen, nói.
Dự luật hợp pháp hóa cần sa là một trong những ưu tiên của liên minh chính phủ do Thủ tướng Olaf Scholz lãnh đạo. Điều này sẽ đưa Đức thành một trong những nước có chính sách cần sa tự do nhất ở châu Âu, dù dự luật có phạm vi nhỏ hơn ban đầu.
Chính phủ nước này hồi tháng 4 hủy các kế hoạch cho phép bán rộng rãi cần sa tại các cửa hàng được cấp phép, sau khi vấp phải sự phản đối từ Ủy ban châu Âu. Nhiều nước châu Âu đã hợp pháp hóa cần sa sử dụng cho mục đích y học. Chính phủ Đức phê duyệt điều này từ năm 2017.
Malta vào cuối năm 2021 trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên cho phép trồng và sở hữu lượng nhỏ cần sa để sử dụng cho mục đích cá nhân. Đức sẽ trở thành quốc gia lớn đầu tiên ở châu Âu làm vậy nếu dự luật được thông qua.
Ngọc Ánh (Theo AFP)